Trước đó, Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố rõ 3 tiêu chí cụ thể trong lộ trình đàm phán thương mại bao gồm: Bảo vệ quyền của công dân EU; đảm bảo Anh trả mức phí “rời đi” trị giá lên đến 39 tỷ bảng Anh (52 tỷ đô la) và duy trì đường biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ailen.

Theo tình hình hiện nay, số lượng các vấn đề gai góc mà các bên cần đàm phán được cho là sẽ tăng lên gấp nhiều lần trong giai đoạn thứ hai này của cuộc đàm phán rời đi. Anh muốn đạt được một thỏa thuận thương mại mới toàn diện, nhưng đồng thời trong lúc này cũng có rất nhiều vấn đề pháp lý và các quy định phải được dàn xếp.

Ông Donald Tusk - Chủ tịch hội đồng châu Âu, cho nói: "Chúng ta đều biết rằng việc thỏa thuận rời đi là khó, nhưng việc chia rẽ rồi lại xây dựng một mối quan hệ mới thậm chí còn khó hơn nhiều".

Một vấn đề lớn mới nổi lên là, trong tương lai khi đã rời khỏi khối, Anh sẽ duy trì mối quan hệ như thế nào với EU, một thị trường chiếm tới 44% hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Anh?

Thủ tướng Theresa May đã nói rằng nước Anh sẽ rời khỏi thị trường nội bộ và liên minh thuế quan của EU. Nhưng ngoài những ranh giới được vạch ra đó, rất nhiều những chi tiết cụ thể của cuộc rời đi này vẫn chưa được đưa ra.

Agata Gostynska Jakubowska, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu cho hay: "Hiện tại, nước Anh vẫn không biết điều nó muốn là gì. Chính phủ Anh thậm chí vẫn chưa xác định được rõ ràng về mối quan hệ với EU trong tương lai".

Nước Anh phải quyết định liệu họ có muốn đàm phán để tiếp tục dễ dàng tiếp cận thị trường EU hay sẽ chấp nhận những rào cản đáng kể như một quốc gia ngoài khối để đổi lại sự tự chủ hơn trong kiểm soát các đạo luật, thương mại quốc tế và nhập cư.

Việc đưa ra một quyết định cuối cùng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là nội các của bà May đang đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về cái gọi là “nhà nước cuối cùng” và vì vậy họ chưa thể thảo luận cụ thể về vấn đề này.

Cần thêm sự rõ ràng

"Chúng tôi đã nghe rất nhiều những ý kiến khác nhau" - ông Tusk nói. "Nhưng tựu trung lại thì chúng đều ám chỉ rằng chúng ta cần có sự rõ ràng hơn về cách mà nước Anh nhìn nhận và mong muốn về mối quan hệ tương lai của nó với EU."

Trong khi đó, London vẫn phải tiếp tục tìm kiếm biện pháp để tránh sự xuất hiện trở lại của một biên giới ngay trên đảo Ireland, một vấn đề vô cùng phức tạp vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn trong giai đoạn đầu của đàm phán.

Các điều khoản của thỏa thuận được đưa ra gần đây nhất cũng quy định rằng nếu không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về biên giới Ailen, Anh Quốc phải tiếp tục tuân theo các quy tắc của thị trường nội bộ EU. Điều này sẽ là không thể chấp nhận được đối với nhiều người ủng hộ Brexit.

Các cuộc đàm phán thương mại được cho là rất khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại, có thể còn mất nhiều năm để đàm phán. Đây không phải là ngoại lệ. Còn nhớ Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Canada trước đây đã từng mất tới 7 năm để đàm phán.

Rối rắm trong cuộc “li dị” này cũng dể hiểu vì 27 nước trong EU là 27 quyền lợi khác nhau chứa đựng cả trong Hiệp định thương mại mới. Chính quyền các nước sẽ phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ các nghiệp đoàn và các doanh nghiệp nếu lợi ích của họ không được bảo vệ.

Anh có những ưu tiên riêng trong đàm phán. Họ sẽ tìm cách giảm thiểu các rào cản thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như dịch vụ tài chính, ô tô và hàng không vũ trụ.

Bà Gostynska Jakubowska cho biết lựa chọn tốt nhất có thể là thử đàm phán một hiệp định thương mại cơ bản. Từ thiện chí và lòng tin của các bên sau khi được xây dựng có thể xóa bỏ dần các thỏa thuận hạn chế và mở rộng thêm ra các lĩnh vực bổ sung sau.

**Vẫn phải kiên trì chờ đợi
**
Dù vậy, bà Gostynska Jakubowska vẫn không mấy lạc quan rằng một thỏa thuận cuối cùng có thể được đưa ra vào tháng 3 năm 2019. Bà nói: “Chắc chắn sẽ không thể hoàn thành việc đàm phán về tương lai vào thời điểm mà chúng ta chủ quan định ra cho nước Anh rời EU”.

Khó khăn trong việc thỏa thuận không phải trên bàn đàm phán, mà là ở vận hành của các công ty trong mối quan hệ thương mại dằng dịt lâu nay, rất cần thiết phải có một giai đoạn chuyển tiếp cho các công ty thích nghi với hậu Brexit.

Ông Tusk nói rằng EU sẵn sàng thảo luận về quá trình chuyển tiếp này, nhưng chỉ khi Anh sẵn sàng chấp nhận tất cả luật của EU - bao gồm cả các luật mới được thông qua trong thời gian đó - và cả giám sát tư pháp nữa.

Ông cũng nhận định một cách hình ảnh: "Trên bàn đàm phán giống như con gà đẻ trứng - có khi chỉ vài phút, nhưng để hình thành một quả trứng mới là lâu... Mâu thuẫn chính là ở chỗ chúng ta chỉ còn chưa đầy một năm. Tốn kém hơn cả thời gian là tiền bạc. Cả nước Anh và EU phải kiên trì thôi".

TS. Nguyễn Hoàng Anh