Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: Căng thẳng tột độ trong quan hệ Xô - Mỹ
Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushov (bên phải) và Tổng thống Mỹ Kennedy trong một cuộc gặp mặt.
(Báo tháng 8) -Trong thời kì chiến trạnh lạnh, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự căng thẳng tột độ trong quan hệ Xô - Mỹ, suýt đẩy 2 cường quốc đến bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân. Sự kiện này cũng để lại những bài học sâu sắc trong việc xử lí, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế.
Đầu năm 1962, sau khi bố trí ở Anh và Thổ Nhĩ Kì các tên lửa xuyên lục địa tầm trung Minuteman, Mỹ đã đạt được ưu thế rõ ràng trong cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Liên Xô đứng đầu là Nikita Khrusov cho rằng có thể loại bỏ ưu thế đó bằng cách triển khai các tên lửa của Liên Xô ở Cuba – hòn đảo cách mạng nằm cách Mỹ chỉ khoảng 90 hải lí. Khrushov cũng tính toán rằng bí mật triển khai tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ Cuba, Liên Xô có thể đặt vị Tổng thống trẻ tuổi và ít kinh ghiệm John Kennedy trước sự đã rồi mà ông này phải chấp nhận... Mùa hè 1962, các kĩ sư Liên Xô bắt đầu xây dựng các bệ phóng cho loại tên lửa có tầm bắn trên 3.000km – tên lửa này có thể bay tới vùng duyên hải phía đông nước Mỹ chỉ trong vòng vài phút. Và đây chính là nguyên nhân và sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng diễn ra trong vòng 13 ngày (từ ngày 16 đến 29-10-1962), trong đó những ngày căng thẳng nhất là: Sáng sớm ngày 16-10, thứ ba, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đệ trình Tổng thống Kennedy tài liệu (những bức ảnh máy bay do thám U-2 chụp kèm kết luận) chứng minh Liên Xô đang triển khai tên lửa tầm trung tại Saint Kristoban (Cuba). Cuộc họp giữa Tổng thống với các cố vấn tối cao diễn ra căng thẳng. Ngày 19-10, thứ sáu, giới quân nhân gây áp lực với Kennedy, đòi “nướng chín” Cuba. Ngày 22-10, thứ hai, Washington điện đàm với lãnh đạo các nước đồng minh; Tổng thống Mỹ thông báo tình hình với nhân dân Mỹ trên đài phát thanh và truyền hình; tuyên bố phong toả đường không, đường biển của Cuba và yêu cầu Liên Xô đưa tên lửa khỏi Cuba; 2.500 thân nhân binh sĩ Mỹ tại căn cứ Goantanamo được yêu cầu thu xếp hành lí trong vòng 15 phút để di tản. Ngày 24-10, thứ tư, các tàu hàng hải của Liên Xô trên đường đến Cuba bị tàu chiến Mỹ giữ và đe dọa nổ súng. Ngày 25-10, thứ năm, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushov đưa ra thông điệp mang tính hoà giải, song cũng phê phán, cảnh cáo những hành động quá khích của Mỹ. Cùng ngày 25-10, giới quân sự Mỹ phát lệnh báo động nguyên tử, dù đó chỉ là báo động diễn tập. Người dân Mỹ náo động kéo đi mua sắm lương thực, thực phẩm để dự trữ, thế nhưng các cửa hàng lại bán phương tiện phòng chống nguyên tử dành cho cá nhân. Ngày 26-10, thứ sáu, giới hiếu chiến trong Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trông chờ một đụng độ trên không, trên biển nhỏ nhất để có thể bắt đầu chiến tranh. Lầu Năm góc thông qua kế hoạch của chiến dịch Mangusta huy động 200.000 lính lục quân, 70.000 lính hải quân đánh bộ, 2.000 lượt máy bay các loại, 100 tàu chiến và tàu đổ bộ... sẵn sàng cho chiến tranh. Lực lượng hạt nhân chiến lược được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Các máy bay B-52 mang bom hạt nhân bay liên tục trên không phận đông - nam nước Mỹ, cứ một chiếc hạ cánh lấy dầu lập tức có chiếc khác cất cánh thay thế. Rất đông người dân Mỹ chạy sang nước Mehico láng giềng để sơ tán. Ngày 27-10, thứ bảy, nhà lãnh đạo Cuba - Fidel Castro nhận được tin tình báo rằng Mỹ có thể tiến công trong vài ngày tới. Còn ở Moscow, Khrushov phê chuẩn kế hoạch bảo vệ các cơ sở của Liên Xô tại Cuba trong trường hợp Mỹ tiến công. Ngày 28-10, chủ nhật, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ - Anatoli Dobrunin thông báo với Robert Kennedy (Bộ trưởng Tư pháp, em trai Tổng thống Kennedy) nội dung bức điện của Khrushov nêu rõ Liên Xô đồng ý tháo dỡ các quả tên lửa đã triển khai tại Cuba. Ngày 29-10, thứ hai R. Kennedy thông báo với Đại sứ Dobrunin rằng Tổng thống Kennedy xác nhận, để đáp ứng thiện chí của phía Liên Xô, Mỹ đồng ý huỷ bỏ căn cứ tên lửa của họ tại Thổ Nhĩ Kì đang hướng về phía Liên Xô, song yêu cầu không công khai thoả thuận này. Do hai bên đã quá mỏi mệt với trò “mèo vờn chuột”. Cuộc khủng hoảng chấm dứt.
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu hạt nhân đầu tiên và duy nhất giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc khủng hoảng cũng đóng một vai trò quan trọng tác động đến diễn biến của cuộc chiến tranh lạnh. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới và bản thân hai siêu cường lo sợ về một cuộc chiến tranh thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra. Chính điều đó đã thúc đẩy hai bên bước vào giai đoạn hòa hoãn cuối thập niên 1960 và tăng cường tiến hành các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Mỹ và Liên Xô cũng đã đồng ý thành lập một “đường dây nóng” giữa Washington và Moscow, cho phép các nhà lãnh đạo hai nước có thể trò chuyện trực tiếp để giải quyết những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Đăng Song