Cuộc hành trình vào thời gian ký ức Một cây cầu (03/10/2009)

Lễ hội “Ký ức Cầu Long Biên” lần thứ nhất, chương trình Festival văn hoá nghệ thuật lớn nhất trong năm 2009 diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10/2009. Được xác định đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chương trình đã được lãnh đạo TP. Hà Nội phê chuẩn từ sớm và chỉ đạo trực tiếp cho các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện việc tổ chức. Năm nay, chương trình còn mang một ý nghĩa là kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đánh dấu năm Văn hoá ngoại giao 2009 của đất nước. Cầu Long Biên được công ty Daydé & Pillé khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1902. Vào thời điểm đó, Cầu Long Biên là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông. Với chiều dài 1682m, gồm 19 nhịp dầm thép, cây cầu tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc lúc bấy giờ được kết cấu theo kiến trúc của Gustave Eiffel. Cây cầu vẫn từng được ví như tháp Eiffel ngả mình soi bóng trên sông Hồng. Lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên VTV1 vào 17h đến 18h30 ngày 10/10/2009. Có hàng loạt các hoạt động diễn ra tại hai đầu cầu và trên cây cầu lịch sử này. Suốt chiều dài hai bên cây cầu sẽ là chủ đề ký ức và ước mơ với hàng loạt tiết mục nghệ thuật, các hoạ sĩ ký hoạ truyền thần, các nhà thư pháp, cờ các quốc gia với dòng chữ “hoà bình”... Trên 1682m của cây cầu sẽ được chia thành 12 thập niên tương ứng với tuổi cây cầu và mỗi thập niên được tái hiện bằng hình ảnh của từng thời kỳ. Triển lãm ký ức Cầu Long Biên với trên 100 tác phẩm hội hoạ vẽ về cây cầu cùng triển lãm ảnh sẽ được tổ chức ngay trên cầu. Ngoài các sân khấu biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân tại hai đầu cầu với các nội dung chuyên về nghệ thuật truyền thống thế kỷ 19 và nghệ thuật đương đại với các thể loại âm nhạc mới do các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế thể hiện... còn có các khu vực chiếu phim về lịch sử cây cầu Long Biên. Ngoài ra các khán giả còn được thưởng thức lễ hội thả diều với diều sáo do các nghệ nhân thực hiện cùng buổi lễ hoa đăng với 999 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Hồng cầu cho sự bình yên và thịnh vượng của Thăng Long – Hà Nội. Cũng trong khuôn khổ lễ hội còn có các chương trình giới thiệu nghề truyền thống, biểu diễn các trang phục dân tộc, tham quan vườn nghệ thuật, trình diễn ánh sáng cùng với nghệ thuật pháo bông “Cầu Long Biên hoá rồng” trong thời khắc tiến vào năm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Mai Anh