Cuộc hành trình sâu đậm nghĩa tình đồng đội (16/12/2013)
Những đóa hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc
Trong chiến tranh nơi đây là “túi bom” mà kẻ thù thả xuống nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Nay xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang là địa chỉ tràn đầy sức sống, với những huyền thoại thiêng liêng, thu hút hàng vạn khách tới thăm viếng, thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ những người đã khuất... Và đây chính là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình về chiến trường xưa của đoàn. Lễ tưởng niệm những cô gái anh hùng được tiến hành ngay từ sáng sớm bởi đoàn xuất phát từ Hà Nội, đi suốt đêm tới đây.
Nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc là nhắc tới tấm gương anh dũng hi sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong khi họ mới mười tám, đôi mươi. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng, 10 đóa hoa bất tử. Thắp nén tâm nhang trước đài tưởng niệm, Trưởng ban tổ chức Chương trình “Nghĩa tình đồng đội”, Đại tá Nguyễn Minh Phương, phụ trách Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam khẳng định: “Tên của các chị đã hóa thành tên chung “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc”, đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn người từ mọi miền Tổ quốc đã hi sinh trên vùng đất này. Những giọt máu của các chị đã thấm sâu vào đất mẹ, góp phần dựng nên biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Các chị thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo để sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả đó”. Ngã ba Đồng Lộc vào những ngày cuối năm, có thể nhận thấy màu xanh bạt ngàn trên đồi thông, trên những vườn cây trái xum xuê, những cánh đồng mơn mởn sóng lúa.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 45 năm mà mới như ngày hôm qua. Ngày lại ngày, những đoàn người từ mọi miền Tổ quốc nối tiếp nhau đến viếng các chị và đồng đội của họ tại Ngã ba Đồng Lộc. Trong đoàn CCB chúng tôi, có cả những người đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này. Mỗi lần về thăm lại chiến trường xưa lòng không khỏi nghẹn ngào, xúc động, thắp nén tâm nhang thể hiện niềm tiếc nhớ vô hạn đối với đồng chí, đồng đội của mình. Trước khi chia tay các chị, cả đoàn cùng cất cao tiếng hát, gửi tới các chị lời ngợi ca bất tử “Chào em cô gái Lam Hồng”.
Góp thêm cho việc tôn tạo khu di tích lịch sử, Ban tổ chức chương trình “Nghĩa tình đồng đội” lần thứ VI đã trao tặng cho Ban quản lý di tích 90 triệu đồng.
Những doanh nhân, CCB đều một tâm niệm “Phát triển sản xuất kinh doanh cũng để có điều kiện giúp đỡ đồng đội, giúp đỡ những người còn đang khó khăn”. Trong hành trình về nguồn hôm nay, nhiều phần quà đã được những nhà tài trợ từ tâm trong đoàn trao các CCB, các gia đình chính sách. Tại hội trường khu di tích lịch sử, Ban tổ chức chương trình “Nghĩa tình đồng đội” đã trao 40 phần quà mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 40 gia đình chính sách khó khăn và trao tặng cho 10 thân nhân của 10 cô gái Đồng Lộc 10 sổ tiết kiệm mỗi sổ 5 triệu đồng.
Không tiếc máu xương nhuộm thắm cờ Tổ quốc
Điểm đến tiếp theo trong hành trình là Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Trường Sơn, nơi an nghỉ của 10.333 liệt sĩ. Đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam, có kiến trúc, bố cục độc đáo, đa phần không giống NTLS khác ở Việt Nam. Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Bốn khu đặt mộ liệt sĩ được xếp theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng. Lối đi được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hoa nở bốn mùa hai bên. Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước Việt Nam. Tiếng chuông ngân lên, không gian trầm mặc, uy nghiêm, cả đoàn lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ không tiếc xương máu tuổi xuân nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc, hi sinh cho tự do của đất nước.
Cách NTLS Trường Sơn không đầy 20km là NTLS Đường 9, điểm đến thứ ba của đoàn về với chiến trường xưa. Sau lễ dâng hương, các CCB tản ra các khu mộ, thắp những nén nhang tưởng nhớ đồng đội xưa. Hơn 10.000 phần mộ được chia thành các khu như các xóm làng, mỗi khu lại được chia thành các nhóm nhỏ. Thắp hương cho các anh mà trong thâm tâm tôi tưởng như các anh vẫn đang quây quần ngồi bàn chiến thuật, bàn luận về trận đánh ban chiều và sẻ chia những lá thư quê nhà.
Nhiều, nhiều lắm những ngôi mộ chỉ vọn vẹn vài chữ trên bia “Liệt sĩ chưa biết tên”. Có lẽ là quá vô tâm khi mà lâu nay vẫn có khái niệm “vô danh”. Làm sao vô danh được! Các liệt sĩ khi sinh ra đều được cha mẹ đặt tên, nằm lại nơi đây nhưng tên tuổi của các anh đã góp phần làm nên đất nước. Bởi vậy, tất cả đều phải có tên “người con đất Việt”.
Những tấm lòng với đồng đội xưa còn được thể hiện cụ thể hơn bởi số tiền 80 triệu đồng mà Ban tổ chức chương trình đã trao cho Ban Quản lý hai nghĩa trang và 60 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu cho 60 gia đình chính sách ngay tại khuôn viên của hai khu nghĩa trang.
Nơi máu xương các anh hòa quyện vào đất mẹ
Rời Nghĩa trang đường 9, chúng tôi đến Thành cổ Quảng Trị- “Nghĩa trang không bia mộ”. Nơi ghi lại dấu ấn cuộc chiến 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972, nơi kẻ địch đã trút hàng ngàn tấn bom đạn để gây sức ép trước bàn hội nghị Pa-ri. Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại đây diễn ra thật trang nghiêm. Trong phút mặc niệm, tưởng như hương hồn các anh vẫn còn mãi trong không gian trầm lắng của ngôi thành cổ. Lời giới thiệu của cô nhân viên nhà bảo tàng khiến cả đoàn lặng đi trước những đau thương mất mát của một thời chiến tranh khốc liệt. Trong niềm xúc động nghẹn ngào, nhà thơ Phạm Đình Lân đã viết:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi,
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”…
Quả là vậy, nơi đây, máu xương đồng đội thấm, lẫn vào từng nắm đất. Mỗi nhánh cây, ngọn cỏ như còn mãi đọng hình bóng những người con đất nước.
Nằm bên ngôi thành cổ, dòng sông Thạch Hãn vẫn trong xanh, hiền hòa như chưa hề qua những ngày máu lửa. Nhưng trong 81 ngày đêm khốc liệt, biết bao người con ưu tú của đất nước đã nằm lại dưới sông. Trên bến thả hoa có tấm bia khắc bài thơ của nhà thơ, chiến sĩ Lê Bá Đương với những câu thơ làm nao lòng người:
“Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Và từ trong sâu thẳm của lòng mình, những người đồng đội cũ, những thế hệ trẻ sống trong thời bình cùng hướng về mảnh đất này, dâng nén hương tưởng nhớ các anh - những người con đã hi sinh vì sự yên bình, ấm no của Tổ quốc.
Lễ cầu siêu và thả hoa đăng được đoàn tổ chức vào tối ngày 8-12. Bài văn tế vang vang trên sóng nước như nhắc nhở tới người ngã xuống. Chủ trì buổi lễ, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, Trụ trì chùa An Thụy Ứng, tỉnh Quảng Trị nói: “Cả nước luôn hướng về các anh linh liệt sĩ. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây trong đạo lý của người Việt Nam, chúng ta luôn tưởng nhớ tới các anh linh. Trong dòng sông này các anh hùng liệt sĩ hãy an nghỉ cho ngàn thu in bóng, hình hài hòa quyện với non sông, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử rạng ngời của đất nước Việt Nam quang vinh". Hàng vạn ngọn hoa đăng được các CCB trong đoàn thả xuống dòng sông lung linh rực rỡ như linh hồn các liệt sĩ đang hiển hiện về hội tụ với đồng đội xưa.
Tại hội trường thị xã Quảng Trị, 100 chiến sĩ thành cổ khi xưa được đoàn trao tặng quà mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Món quà tuy không lớn nhưng giá trị tinh thần là vô giá bởi nghĩa tình của đồng đội với nhau. Nghẹn ngào trong nước mắt, đồng chí Lê Xuân Tánh, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ, Quảng Trị 1972 sẻ chia: “Đây là nguồn động viên to lớn với những đồng đội còn khó khăn, thời bình như thời chiến, mãi mãi bên nhau với sâu nặng nghĩa tình”.
Trong cuộc hành trình, Đoàn cũng đã trao tặng học sinh hai Trường tiểu học Thanh Trạch 2 (Bố Trạch, Quảng Bình) và Trường mầm non 2 (Vĩnh Long, Quảng Trị) thiết bị học tập, sách, vở… trị giá mỗi trường 52 triệu đồng; thăm và tặng 100 suất quà, mỗi suất 1 triệu và gạo cứu trợ cho 100 gia đình chính sách và nhân dân vùng lũ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10,11 tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với tổng trị giá 120 triệu đồng.
Kết thúc chuyến hành quân về nguồn là điểm đến mà sẽ là địa danh mãi mãi về sau được mọi người dân, CCB nhắc tới: Đoàn kính viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, Quảng Bình. Thắp nén hương trước anh linh người Anh Cả của QĐND Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội CCB Việt Nam, các thành viên trong đoàn thầm hứa với Đại tướng: “Sẽ cố gắng noi gương những người đi trước, cùng dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh”. Gió và sóng biển rì rào trên những rặng thông, vang vọng như lời thề của người lính năm xưa trên chiến trường khốc liệt.
Bài và ảnh: Quang Vinh