Cuộc gặp gỡ bất ngờ (18/11/2010)

Tháng 9-1954, ông Đinh Văn Kháng, 30 tuổi là xã đội trưởng xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Đà (cũ), ông là cán bộ chủ chốt được mọi người biết đến nên không thể ở lại nằm vùng vì kẻ địch sẽ phát hiện ra. Do đó, ông có lệnh của Tỉnh uỷ phải tập kết ra Bắc.

Ông Đinh Văn Kháng nửa mừng, nửa lo, mừng vì ông sẽ được gặp Bác Hồ, được biết nhân dân miền Bắc đang xây dựng XHCN như thế nào và nhất là ông sẽ được đi học để mở mang kiến thức, sau về phục vụ cho quê hương. Song ông cũng hơi buồn vì còn người vợ và hai con nhỏ, Đinh Văn Đăng và đứa con gái bé bỏng Nguyễn Thu Hà. Mặt khác, xã Hoà Phong là căn cứ kháng chiến, có con đường 14A chạy vắt qua đồi Dương Lâm, rồi qua sông Vu Gia đầy thơ mộng, nay ông phải xa nó... Lòng ông cứ ngổn ngang suy nghĩ: Không biết vợ con ông sẽ ra sao, quê hương ông là căn cứ kháng chiến, kẻ địch sẽ lùng sục rất khắt khe. Nhưng nhiệm vụ của Đảng đã giao, ông nhất định sẽ hoàn thành.

Gần hai tháng trời, ông cùng các đồng chí trèo đèo lội suối, vượt qua sông Bến Hải, Cửa Tùng, ông đặt chân lên đất Quảng Bình. Đến đây, ông được ô tô đưa về nghỉ tại thị xã Hà Đông và sau đó, ông được cơ quan cho vào học ở trường bổ túc văn hoá, trường đào tạo cán bộ cho miền Nam trong tương lai. Học xong cấp 3, ông được vào học chính trị ở trường Nguyễn Ái Quốc. Bảy, tám năm trời đằng đẵng, ông không nhận được tin tức gì về gia đình; chỉ nghe phong thanh, vợ ông làm bí thư chi bộ xã Hoà Phong, bà dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối luật 10/59 của Ngô Đình Diệm nên bị bắn chết; còn hai đứa trẻ thì bặt vô âm tín. Càng nghĩ tới gia đình, ý chí nung nấu được trở lại miền Nam càng cháy bỏng. Mãi sau này ông mới biết: Tỉnh uỷ Quảng Đà đã cử đồng chí Năm Dừa bí mật về nhà ông đưa hai cháu lên chiến khu. Cháu Hà thì đưa ra Bắc học, còn cháu Đăng cho vào quân đội, sau này được làm đại đội trưởng bộ đội địa phương quận 1 tỉnh Quảng Đà. Ông chỉ nhớ, ngày ông ra Bắc thì thằng Đăng mới bảy, tám tuổi, còn con Hà cũng gần hai tuổi. Ông cứ tưởng tượng và không thể hình dung được các con của ông ra sao; liệu khi gặp nhau, chúng nó có nhận ra mình nữa hay không?

Cuối năm 1966-1967, ta mở mặt trận 4 - Quảng Đà, bởi lúc này Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, chúng xây dựng sân bay Đà Nẵng, khu hậu cần Bầu Mạc, trận địa pháo Thanh Vinh và khu công nghiệp An Hoà. Lúc này, Tỉnh uỷ Quảng Đà đề nghị Trung ương chi viện sức người, sức của cho Mặt trận 4 - Quảng Đà. Bên cạnh đoàn pháo binh 575 ĐKB còn có một đại đội CR.230, đa số là con em của tỉnh Quảng Đà tập kết ra Bắc. Được học hành chu đáo, nay mới có dịp trở về quê hương để phục vụ, đồng chí Đinh Văn Kháng được cử làm đại đội trưởng. Khi đại đội CR.230 đến gần đồi Dương Lâm thì trông thấy một cái ba-ri-e chặn đường với một tấm biển báo - đường cấm lên đồi Dương Lâm. Đại đội trưởng Đinh Văn Kháng, sau gần 15 năm mới lại được đặt chân lên đất mẹ yêu thương. Nhà của ông chỉ cách đây vài ba cây số, nhưng làm sao mà về được, vì lệnh hành quân cấp tốc. Những con đường ở đây ông thuộc như lòng bàn tay; muốn qua được vùng này phải vượt qua đồi Dương Lâm, hay còn gọi là “đồi Quạt”; vì ở đây toàn trồng cây cọ để lợp nhà và làm quạt. Ông nghĩ: Vô lý – làm gì còn có con đường nào khác. Ông lập tức nhảy ra, vẫy tay gọi cái anh đại đội trưởng còn trẻ măng, anh ta chỉ đáng tuổi con ông là cùng. Ông hỏi: Lệnh cấm của đồng chí đâu đưa tôi xem! - Dạ: Báo cáo thủ trưởng! Không có lệnh cấm, đây chỉ là lệnh cấm của đại đội trưởng quận 1, do tôi làm đại đội trưởng; vì trên đồi Dương Lâm có trận địa pháo nên không được phép vượt qua! – Láo! Vừa nói, đồng chí Đinh Văn Kháng vừa ra tay cho bộ đội tiến. Đồng chí đại đội trưởng quận 1 cũng chẳng vừa, liền hạ lệnh cho các chiến sĩ xông ra cản lại. Một cuộc xô xát, ấn đẩy, giằng co nhau rất căng.

Lúc này ở trên đồi Dương Lâm cũng có một tiểu đoàn pháo ĐKB đóng quân. Tiểu đoàn cử đồng chí Đại úy Nguyễn Anh Chu xuống xem sao. Đồng chí Chu đến đứng trước mặt hai đồng chí đại đội trưởng CR.230 và đại đội trưởng quận 1, nhẹ nhàng mời hai đồng chí lên văn phòng uống nước, rồi sẽ giải quyết phải trái phân minh. Uống nước xong, đồng chí Chu hỏi đồng chí đại đội trưởng CR.230 tên là gì, ở đâu vào và nhận nhiệm vụ gì? - Dạ - Tôi là Đinh Văn Kháng, xã Hoà Phong là quê hương tôi. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc. Nay có lệnh trở về phục vụ cho Mặt trận 4 - Quảng Đà. Tôi còn vợ con tôi ở đây mà cậu ta dám cản đường tôi. Đại uý Chu hỏi tiếp: - Thế con trai của đồng chí tên là gì? – Năm tôi ra Bắc, nó mới bảy, tám tuổi, tên nó là Đinh Văn Đăng; còn em gái nó là Hà... Đồng chí Chu lại quay về phía đại đội trưởng quận 1, Quảng Đà hỏi: Đồng chí tên gì? - Dạ, tôi là Đinh Văn Đăng, đại đội trưởng bộ đội tỉnh Quảng Đà, đại đội tôi có nhiệm vụ bảo vệ đoàn pháo binh 575 tại đồi Dương Lâm.

Lúc này đồng chí Đại uý Nguyễn Anh Chu thấy hai người đại đội trưởng cứ nhìn nhau không chớp mắt. Đồng chí nở một nụ cười và như nói thầm: Họ cùng họ Đinh, cùng tên đệm là Văn, một già, một trẻ, trông lại hao hao giống nhau... chắc, có lẽ..! Nghĩ vậy, đồng chí Chu hỏi đồng chí Kháng, đồng chí bảo: Quê đồng chí ở đây, vậy ở chỗ nào và có quen ai không? Dạ - tôi ở xã Hoà Phong, khi ở ngoài Bắc, tôi được tin vợ tôi là bí thư chi bộ, đi biểu tình chống luật 10/59 nên bị bắn chết. Nhà tôi gần nhà má Nguyễn Thị Thường, có em trai là Nguyễn Văn Chiến... Đồng chí Chu, quay sang phía đồng chí đại đội trưởng quận 1 hỏi, Sao: Đồng chí Đinh Văn Đăng thấy thế nào?.

Nghe giọng nói của đại đội trưởng CR.230 và đồng chí còn tả rõ quê hương Hoà Phong và nói rõ đến những người thân trong gia đình, đồng chí Đăng chạy lại ôm chặt lấy đồng chí Đinh Văn Kháng. Trong linh cảm của tình cha con, một dòng huyết thống không thể pha trộn, cứ chảy râm ran trong cơ thể họ. Vậy là vui quá rồi! Nam-Bắc đoàn tụ, cha con gặp nhau, ngày thống nhất không còn bao lâu. Đơn vị tôi có con lợn khoảng gần 1 tạ, đồng chí Đăng cho bắt xuống mổ, chiều nay chúng ta liên hoan, nơi đây khá yên tĩnh. Cơm nước xong đồng chí Kháng sẽ đi theo con đường vòng qua đồi Quạt mà chúng tôi vừa hoàn thành, để xuống bản Tà Lang và bản Dàn Bí, là đến địa điểm chỉ huy sở Mặt trận 4, Quảng Đà.

Buổi liên hoan diễn ra thật đầm ấm, tươi vui; tiếng nói cười rôm rả, ai cũng bảo một cuộc gặp gỡ đến bất ngờ trong thời chiến, báo hiệu ngày Nam - Bắc thống nhất sẽ đến gần.

NGUYỄN NGỌC THƯỜNG