Cuộc đua số năm 2019: Làm chủ sân chơi, giành ngôi vô địch

Niềm vui của Đội Học viện KTQS giành ngôi vô địch.

Năm 2019 là mùa giải thứ ba của cuộc đua số do tập đoàn FPT phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Cuộc thi qua mỗi năm lại có thêm những yêu cầu mới, cao hơn và ngày càng kịch tính. Đặc biệt, mùa giải này, ngoài các đội đến từ các trường đại học của Việt Nam, còn có sự tham gia của 2 trường quốc tế là Trường đại học Greenwich đến từ nước Anh và Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông đến từ nước Nga. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, huy động được công sức và trí tuệ tập thể, đội thi của học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) đã hoàn toàn làm chủ sân chơi và giành ngôi vô địch.

Kể lại các cung đường trên sa hình của cuộc đua đầy kịch tính và gay cấn diễn ra giữa các đội tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Tây Hồ, Thượng sĩ Vũ Công Minh - học viên lớp Thông tin 1, Đại đội 351, Tiểu đoàn 3, Khoa Vô tuyến điện tử, 1 trong 4 thành viên trong Đội tuyển Học viện KTQS vẫn giữ nguyên những cảm giác hồi hộp và căng thẳng từ khi xuất phát đến những pha xử lý hết sức phức tạp của đường đua: Vượt vật cản, đi qua hầm, đánh lái những góc cua gấp sang trái - sang phải rồi dò làn đường trên tuyết...

Câu chuyện của Vũ Công Minh về đường đua giống như là ma trận bất chợt gợi lại những cảm giác và ký ức chưa xa cho 4 thành viên trong đội. Hai trong số đó, lần đầu tham gia cuộc thi, đều vô cùng lo lắng và bỡ ngỡ. Thành viên Nguyễn Viết Dần - sinh viên lớp Tự động hóa 15, Khoa Kỹ thuật Điều khiển, hệ dân sự nhớ lại, khi đó, anh thậm chí còn không biết phải làm thế nào để xe có thể lăn bánh, bẻ những góc cua và đi lên dốc theo ý của mình.

Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật điều khiển, người trực tiếp hướng dẫn Đội tuyển Học viện KTQS tham gia cuộc đua số cho biết: Chiếc xe của đội nhận từ ban tổ chức lúc đầu mới chỉ có phần cứng gồm máy tính trung tâm, thiết bị đo lường cảm biến, thiết bị chấp hành và khung vỏ xe. Còn nhiệm vụ của đội thi là các em đã nhanh chóng làm chủ xe, làm quen với hệ thống máy tính trên xe để kết nối, lập trình, xây dựng các thuật toán điều khiển, nghiên cứu cảm biến xem tính năng của các cảm biến, từ đó xây dựng các thuật toán tối ưu nhất, tận dụng các ưu điểm tốt nhất của từng cảm biến, tổng hợp các bài toán điều khiển, bài toán xử lý ảnh...

Để hoàn thành cuộc đua, các công nghệ mới nhất được các học viên ứng dụng, từ công nghệ xử lý ảnh đến trí tuệ nhân tạo để lập trình cho xe tự định vị tìm đường đi ngắn nhất, di chuyển trên cung đường bất kỳ và vượt qua các chướng ngại vật với tốc độ cao.

Vui nhất có lẽ là Đội trưởng, Thượng sĩ Lại Tiến Đệ - học viên lớp Thông tin 1, Đại đội 351, Tiểu đoàn 3, Khoa Vô tuyến điện tử. Là người tham gia cuộc đua lần thứ hai, anh tỏ rõ được bản lĩnh, sự tự tin và phát huy những kinh nghiệm tích lũy được. 4 thành viên trong đội tuyển được tập hợp từ các lớp khác nhau nên đội trưởng phải cân đối, lên lịch để cả đội có thời gian phù hợp nhất làm việc với nhau. Khi gặp bài toán khó, đội trưởng chính là điểm tựa tinh thần cho cả nhóm..

Chính việc làm chủ hoàn toàn sân chơi, cả về khoa học công nghệ, cả về tương quan lực lượng, hiểu bạn, biết ta, đã giúp các học viên của Học viện KTQS chiếm lĩnh được đỉnh cao ở sân chơi công nghệ mang tầm vóc quốc tế này. Họ xứng đáng ở vị trí vô địch lần thứ hai ở một cuộc đua mà mục tiêu cao nhất là góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Hạnh Phương