Cuộc đối đầu giữa ngày Tết
*Đại tá – Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)
*
**Theo đúng yếu lĩnh
**
Chiều mồng 3 Tết Mậu Thân 1968. Từ cửa sổ căn gác nhà cụ Phong nằm trên đường Thủ Khoa Huân nhìn sang nơi tổ biệt động vừa hoàn thành nhiệm vụ đánh vào dinh Độc Lập đang cố thủ, chỉ cách chừng 60 mét, trong đầu Tư Cang diễn ra những cân nhắc, tính toán. Kỷ luật của ngành tình báo, chỉ nổ súng khi thật cần thiết, vì phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lưới điệp báo đã dày công xây dựng hàng chục năm mới phát huy hiệu lực như lưới Tư Cang đang phụ trách. Nhưng đàng kia là anh em mình đang bị bao vây, họ đã chiến đấu dũng cảm suốt 2 ngày trời, đạn chỉ còn bắn từng phát một. Đối diện với tòa nhà 5 tầng nơi anh em cố thủ, trên bao lơn một biệt thự là sở chỉ huy địch, tụi sỹ quan Mỹ, ngụy đang hò hét đốc thúc bọn lính bên dưới.
Nữ giao thông viên tình báo Tám Thảo thời trẻ.
Không còn thời gian nghĩ lâu hơn, Tư Cang đưa khẩu súng ngắn K54 lên. Theo đúng yếu lĩnh bắn nhanh 5 phát đạn hạ 5 mục tiêu trong 8 giây đã được rèn luyện suốt 7 năm trời trên miền Bắc, anh bóp cò bắn liền 2 phát. Cánh cửa sổ nhẹ nhàng khép lại. Tư Cang cầm hai khẩu súng cùng gói đạn đi qua bàn thờ Phật, qua gường ngủ của cô Tám Thảo - con gái cụ Phong và là đồng đội của Tư Cang trong mạng lưới tình báo, len qua những súc vải ngổn ngang rồi chui vào nơi ẩn nấp ở ngăn trong cái tủ nằm dưới bàn thờ Phật, ngăn ngoài chứa đầy sách kinh và được ngăn với ngăn trong bằng một tấm ván mỏng.
Trời tối dần, đường phố lên đèn. Xe cứu thương, xe cảnh sát chạy ầm ầm, còi hú vang. Tiềng giày đinh rầm rập nện trên đường. Một toán lính dừng lại đầu hẻm.
-
Đại úy nói có Việt Cộng từ hướng này bắn đến mầy ạ, một tên nói.
-
Từ hướng này? Làm gì có chuyện đó.
-
Thì ổng ra lệnh tụi mình vây chặt để sáng mai lục soát khu nầy mà.
Thế là rõ, tình huống tương đối nguy hiểm đây. Tư Cang tháo băng đạn ra, lắp lại đầy đạn. Anh nhẩm tính: giao thông đem xuống 27 viên đạn, lúc chiều bắn 2 viên, còn 25 viên. Mỗi khẩu lắp 7 viên, còn 11 viên rời. Sáng mai có thể một trận tử chiến, phải đánh đến viên đạn cuối cùng. Nhưng… là một cán bộ tình báo, lại là Cụm trưởng nắm được nhiều bí mật, quyết không cho địch bắt sống. Tư Cang lấy một viên rời cho vào túi áo, lại nghĩ loại đạn K54 này thỉnh thoảng có viên lép, cho vào túi viên nữa cho chắc ăn. Đó sẽ là 2 viên cuối cùng, 2 nòng súng đưa lên 2 mang tai, 2 ngón tay trỏ cùng lúc siết cò.
Còn bao nhiêu đạn đây chơi hết với tụi bây. Là xạ thủ súng ngắn của Sư đoàn 338, lại được rút ra Bắc rèn luyện thêm 6 tháng trước khi đưa vào Sài Gòn, đâu cho phép mất bình tĩnh và bắn trật nhiều phí đạn.
Chà! Nếu bắt buộc phải nổ súng thì thật tội nghiệp cho hai cụ chủ nhà, cho Tám Thảo, cho cả nhà. Tan nát hết! Vậy mình phải hết sức bình tĩnh, khi đã thật sự bị lộ mới dùng súng.
Mặc kệ tiếng loa ra rả trên đầu kêu gọi Việt Cộng đầu hàng, lòng thanh thản nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ đều đều của cụ Phong, Tư Cang ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Hừng sáng thức dậy đã nghe tiếng súng lớn, súng nhỏ, tiếng la hét chửi thề từ phía trận địa dinh Độc Lập. Sau đó, có tiếng giày nhà binh trên nền xi măng ngoài đầu hẻm. Tư Cang nhìn ra: một trung đội cảnh sát dã chiến mặc đồ rằn ri, trang bị đầy đủ đang tiến vào dãy phố.
-
Ê! Chúng mày! Trên ấy có gì lạ không?
-
Dạ, theo lệnh đại úy, tụi em canh suốt đêm trên nóc nhà này, không thấy gì.
-
Tốt! Cứ tiếp tục gác trên đó. Cẩn thận đấy!
-
Dạ!
Dãy phố có 4 căn nhà. Bọn địch dừng lại phân công nhau rồi gọi chủ nhà mở cổng hết 4 căn cho chúng lục soát.
Tư Cang nghe thấy tiếng tên chỉ huy nạt nộ dưới nhà rồi ra lệnh cho bọn lính lục soát kỹ từ cầu tiêu, nhà tắm, lu nước. Tiếp đó, tiếng giày dồn dập trên những nấc thang bằng gỗ làm rung cả sàn gác. Sẵn sàng chiến đấu thôi! Hai tay cầm hai khẩu súng, Tư Cang chọn trước điểm bắn. Nếu bị phát hiện, mình phải chủ động bắn trước, một khi súng đã nổ thì chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
**Người đẹp nhập cuộc
**
Bọn địch đã lên sàn gác. Có tiếng đập mạnh vào cánh cửa tủ ngay dưới bàn thờ Phật.
-
Ông già, có cái gì trong tủ nầy?
-
Dạ thưa thầy, có mấy bộ kinh Phật. Tôi mở thầy xem.
-
Ờ, mở đi! Mạnh, sao mày ngu quá vậy. Hãy đứng sang một bên, đừng đứng ngay cửa tủ. Đề phòng bên trong nó bắn ra, đã chết bao nhiêu thằng ngu như mầy rồi đó. Riêng thằng nầy, tao nói chúng mày biết, không phải tay vừa. Hai phát bể hai cái đầu, lại toàn là sỹ quan. Bắn có chọn lựa, khiếp thật.
Trong lúc tên sỹ quan nói lải nhải, Tư Cang nghe thấy cụ Phong tra chìa khóa vào lỗ khóa. Bằng tiếng khua nhiều lần trong ổ khóa, rõ ràng cụ có ý báo động cho anh.
Cánh cửa tủ mở. Tên chỉ huy đòi cụ Phong lôi hết đống sách ra khỏi tủ. Đúng lúc đó, chợt vang lên giọng nói nhẹ dễ mến của Tám Thảo:
- Để đó con làm cho ba. Ba nghỉ đi!
Tư Cang nghĩ, Tám Thảo đã nhập cuộc đúng lúc. Anh hình dung người thiếu nữ trẻ, đẹp ấy còn mặc bộ đồ ngủ đầy hấp dẫn, vén màn bước ra.
- À... cô em ngủ trên nầy? - giọng tên sỹ quan bối rối, lúng túng.
Sàn gỗ rung lên vì chồng sách bị vứt bừa lên nhau. Chắc Tám Thảo đang làm bộ hờn dỗi. Một cô gái duyên dáng như Tám Thảo mà hờn dỗi thì phải biết!
-
Thôi... thôi được rồi cô em ơi!
-
Dạ, không có chi. Ông cứ để tôi dọn hết ra cho ông vừa lòng.
Thêm mấy chồng sách nữa bị vứt ra. Viên sỹ quan lại lên tiếng, giọng dịu hẳn:
-
Thôi, tôi đã bảo mà. Không có thì thôi. Xốc sổ ra nhiều, chốc nữa dọn dẹp mệt chết. Cô em hiểu cho, chúng tôi thi hành phận sự.
-
Phận sự, phận sự. Làm như chỉ các ông là có phận sự. Cùng làm việc trong chế độ cộng hòa mà mấy ông coi thường người ta quá.
-
Ấy chết, cô em nổi nóng rồi. Một sự hiểu lầm thôi mà - tên sỹ quan cố làm lành. Thế cô em làm ở công sở nào?
-
Tôi là thơ ký riêng của Thiếu tá James - cố vấn tình báo bên cạnh Bộ tư lệnh Hải quân, văn phòng tại bến Bạch Đằng.
-
À, ảnh của thiếu tá James đây hả? Cái thằng xinh trai! Em thường đi với nó lắm à?
-
Thỉnh thoảng thôi, tan sở, ổng thường lái xe đưa tôi về nhà.
Ngưng một lát, Tám Thảo nói tiếp, giọng nhỏ nhẹ và dịu hẳn lại:
- Cũng như đối với anh, đã biết nhau thì mai mốt mời anh cứ tự nhiên đến nhà chơi.
Tên sỹ quan cười hề hề:
- Đến thăm em sợ chạm mặt thiếu tá James thì phiền lắm. Nói thế chớ, xin hẹn lần khác nhé! Thôi, xuống tụi bây!
Tư Cang lắng nghe, dõi theo bước chân bọn lính lần lượt xuống thang gác rồi kéo nhau ra ngõ. Ra đến đầu hẻm, tên sỹ quan quay mặt lên mái nhà hét to: “Giải tỏa, xuống, về”!
Thế là qua cơn nguy hiểm. Đây chỉ là một trong muôn vàn tình huống mà nhà tình báo Tư Cang - Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu đã trải qua trong cuộc đời hoạt động trên mặt trận thầm lặng song đầy gian khó, hiểm nguy. Cuộc đối đầu lần này diễn ra trong thời gian Cụm tình báo H63 - Đơn vị Anh hùng LLVTND được giao nhiệm vụ điều tra, cung cấp sơ đồ chi tiết, bố trí lực lượng phòng thủ bên trong Bộ tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Cụm trưởng Tư Cang vào “ém” trong nội thành chỉ đạo chung đồng thời trực tiếp quan sát mục tiêu bên ngoài, còn thực hiện nhiệm vụ bên trong tòa nhà bí hiểm, kiên cố này được giao cho giao thông viên Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) - người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết của ông suốt mấy chục năm trời.
Nguyên Phong