“Cuộc chiến vỉa hè” - Với người khuyết tật

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mới vỡ ra là, người khuyết tật “hình như” bị… đặt ra rìa!.
Vào Google “sớt” từ khóa “Đập phá vỉa hè”, chỉ trong vòng 0,58 giây đã cho ra 797.000 kết quả! Và tràn ngập trên màn ảnh máy tính là hình ảnh lực lượng chức năng của hai thành phố lớn nhất nước “gọt” sạch những căn nhà có vỉa hè cố tình “nhoi” ra ngoài.
Từ hàng chục bậc thềm tòa nhà Công ty Nhà TP. Hồ Chí Minh, trên đường phố đi bộ Nguyễn Huệ, đến bậc tam cấp của UBND phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội đều bị xử lý một cách bình đẳng. Không gian dành cho người đi bộ đã được lấy lại.
Trên phương diện trật tự văn minh đô thị, đa phần người dân đồng tình với chủ trương dọn dẹp vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ. Người dân đi bộ, hay đi xe; trong ngõ, trong hẻm hay ngoài mặt đường cũng đều hỉ hả vì phố phường phong quang, sạch đẹp hơn; công bằng đã và đang được lập lại.
Trong hoàn cảnh cụ thể những người vốn lâu nay lấy vỉa hè để buôn bán đã thu dọn lại vào trong nhà và bắt đầu có xu hướng “quay đầu vào ngõ” để kinh doanh! Nghe nói nhà trong ngõ đang nhúc nhắc lên giá, ngược lại giá nhà mặt phố có phần chững lại.
Cuộc chiến giành lại vỉa hè lần này có vẻ còn tiếp diễn dài dài vì những tuyên bố của mấy vị chức sắc là “vô tiền khoáng hậu”. Thậm chí ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch quận 1, TP. Hồ Chí Minh còn tuyên bố, nếu không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ thì ông sẽ xin từ chức. Đặc biệt là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội còn “bắt mạch” đúng căn bệnh lấn chiếm vỉa hè để buôn bán lâu nay là do được những người có quyền lực bảo kê. Ông nói phường nào, quận nào không dẹp được tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ công bố tên tuổi những chủ tịch, phó chủ tịch phường, quận có người nhà là chủ trông xe, bán quán vi phạm để điều chuyển những cán bộ đó đi nơi khác, làm công việc khác cho không vướng…
Chắc là từ những kiên quyết của Chủ tịch UBND thành phố mà hầu hết các phường đều ra quân lập lại trật tự vỉa hè rất hiệu quả. Cũng lâu lắm mới thấy người dân thành phố tự giác chấp hành quy định của chính quyền đến thế. Nhiều con phố chỉ sau một đêm các mái che, mái vẩy được dọn sạch. Nhiều ngôi nhà để bậc lấn ra vỉa hè đều được gia chủ tự giác dỡ bỏ. Khác hẳn với trước đây, chính quyền, công an, thanh tra… ra lệnh mà cứ như đấm vào bị bông ấy! Dân không sợ!
Với mẫn cảm của người làm truyền thông, tôi tin là chuyến này các thành phố làm thật. Làm thật bởi vì “miệng nhà quan có gang có thép”, làm thật bởi “Nhất ngôn ký xuất - Tứ mã nan truy” (một lời nói ra,
bốn con ngựa không đuổi được). Niềm tin của tôi còn là hy vọng bởi lâu nay, các “chiến dịch, cao trào, chương trình hành động…” ở xứ ta thông thường đều rơi vào tình cảnh “đầu voi đuôi chuột” suy cho cùng đều do cán bộ “không làm thật”!
Duy có một điều, qua cách làm vừa rồi của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã “lộ” ra một điều: Vỉa hè đã thông thoáng, nhưng tất cả đều… “vuông vuông”! Mấy bác thuộc diện già cả, tai biến, người khuyết tật… phải ngồi xe lăn nghe chừng mệt!
Một khi đường phố dẫu thông thoáng, nhưng nếu không có hỗ trợ, liệu mấy vị đi xe lăn có tự bò lên được?
Có thể nói, chiến dịch “đòi lại vỉa hè” đã diễn ra gần một tháng, hàng ngàn mét vuông vỉa hè “xây dựng, cơi nới trái phép” đã bị xử gọn. Nhưng đến nay, các đoạn hè phố đã được “giải phóng” vẫn mãi “vuông vuông là” cho thấy một điều, hình như các vị chức sắc còn quên người khuyết tật, người già cả chăng?
Thiết nghĩ bên cạnh việc rất kiên quyết “lấy lại vỉa hè” của những hộ lấn chiếm, cũng phải xét đến những hoàn cảnh cụ thể để có giải pháp phù hợp như trường hợp vừa rồi ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh bất ngờ để lại cầu thang chiếm vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo của nhà cụ bà 80 tuổi bị bệnh, được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.
Muốn thế cán bộ phải “xuống đường” thì mới “thực mục sở thị” được mà ra quyết định cho đúng người, đúng việc.
Trần Thụ