Cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược nước ta ở biên giới phía Bắc 37 năm trước (tháng 2-1979 - 3-2016): Bài học về độc lập, tự chủ và thiện chí hòa bình

Thạc sĩ Trần Hữu Huy
Cuộc chiến đấu của bộ đội chủ lực Quân khu 1 phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc nước ta nhằm bảo vệ thị xã Lạng Sơn. Đây là cuộc chiến đấu điển hình cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam năm 1979.
Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhân dân hai nước gắn bó mật thiết, đoàn kết giúp đỡ nhau. Trung Quốc cũng đã giúp Việt Nam rất nhiều trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thắng lợi, quan hệ hai nước dần xấu đi. Đầu năm 1979, khi QĐND Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, giúp lực lượng cách mạng Campuchia tiến công đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, nhà cầm quyền Trung Quốc cùng một số nước khác ra sức xuyên tạc sự xuất hiện của Quân đội Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia. Mục đích của họ muốn chống phá Việt Nam, hậu thuẫn cho các thế lực phản động để mưu toan áp đặt lợi ích dân tộc trên bán đảo Đông Dương.
Sau nhiều lần gây ra các vụ khiêu khích quân sự qui mô nhỏ, từ ngày 17-2-1979, phía Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép; hàng nghìn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), trong đó hướng tiến công chủ yếu là Cao Bằng-Lạng Sơn; hướng tiến công quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh thu hút lực lượng là Quảng Ninh, Hà Tuyên.
Bộ chỉ huy phía Trung Quốc chủ quan nhận định: với lực lượng và vũ khí trang bị chiếm ưu thế áp đảo, quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng đập tan hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam; mặt khác, một bộ phận lớn Quân đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, lực lượng tăng cường cho mặt trận biên giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ nhận định đó, Bộ Chỉ huy phía Trung Quốc đề ra kế hoạch là nhanh chóng đánh chiếm một số thị xã, sau đó tùy điều kiện tình hình có thể phát triển sâu vào nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, quân Trung Quốc đã gặp phải sự giáng trả quyết liệt. Quân dân Việt Nam, trực tiếp là quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên quyết bám trụ, kiên cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Ngay từ khi chiến tranh nổ ra, quân dân Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực của Quân khu 1 chống trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tiến công để ngăn cản bước tiến quân của đối phương.
Ngày 24-2-1979, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 quyết định thành lập Mặt trận Lạng Sơn (do đồng chí Hoàng Đan làm Tư lệnh, đồng chí Hoàng Trường Minh làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy) để tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng chiến đấu. Toàn Mặt trận được tổ chức thành 5 khu vực phòng thủ: khu vực 1 bao gồm huyện Đình Lập và huyện Lộc Bình; khu vực 2 thuộc huyện Cao Lộc; khu vực 3 gồm huyện Tràng Định và Văn Lãng; khu vực 4 gồm thị xã Lạng Sơn và và huyện Chi Lăng; khu vực 5 thuộc huyện Văn Quan. Kết quả sau 10 ngày tiến quân, phía Trung Quốc chỉ chiếm được Đồng Đăng, Thất Khê, một số cao điểm dọc biên giới các huyện Lộc Bình, Cao Lộc. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ chỉ huy phía Trung Quốc tích cực chuẩn bị các mặt nhằm đánh chiếm dứt điểm thị xã Lạng Sơn.
Ngày 27-2-1979, cuộc tiến công chính thức bắt đầu. Phía Trung Quốc huy động lực lượng tương đương 3 quân đoàn mở cuộc tiến công lớn vào thị xã Lạng Sơn theo ba hướng (Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình). Cuộc đọ sức hai bên diễn ra quyết liệt trong 3 ngày liên tiếp. Các đơn vị chủ lực Việt Nam (Sư đoàn 3, Sư đoàn 337...) được sự phối hợp hiệu quả của quân dân địa phương bẻ gãy nhiều mũi tiến quân của đối phương. Đến ngày 2-3-1979, quân Trung Quốc tổ chức đợt tiến công lớn nữa vượt qua các tuyến phòng thủ và đánh chiếm một phần tây bắc thị xã, buộc bộ đội Việt Nam Nam rút về phía nam sông Kỳ Cùng và Tam Thanh, Nhị Thanh.
Trước tình hình cấp bách đó, Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập Quân đoàn 5 thuộc Quân khu 1 do Thiếu tướng Hoàng Đan làm Tư lệnh, Đại tá Phí Triệu Hàm làm Chính ủy. Quân đoàn 5 bao gồm 4 sư đoàn bộ binh (3, 338, 327, 337) cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác có nhiệm vụ tác chiến quy mô lớn binh chủng hợp thành trên mặt trận Lạng Sơn và sẵn sàng cơ động chi viện cho các hướng khác, cho mặt trận khác.
Sang ngày 3-3, quân Trung Quốc tiếp tục tổ chức lực lượng một quân đoàn chia làm ba mũi (từ điểm cao 530, Hoàng Đồng, Kỳ Lừa) đánh chiếm Tam Thanh, Nhị Thanh. Đến ngày 4-3, quân Trung Quốc đánh chiếm các điểm cao 391, 403, khu vực Nam sông Kỳ Cùng và các khu phố thị xã Lạng Sơn. Do lực lượng chênh lệch và tình thế bất lợi, các đơn vị Quân đội Việt Nam chủ động rút ra khỏi thị xã, chốt giữ các điểm cao để chuẩn bị tăng cường lực lượng mở chiến dịch phản công qui mô lớn. Cũng trong ngày 4-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh Tổng động viên cả nước. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 5 vừa thành lập đã nhanh chóng cho triển khai kế hoạch phản đột kích cho các đơn vị nhằm giành lại Thị xã Lạng Sơn.
Vào thời gian này, do bị thiệt hại nặng nề mà chưa đạt được âm mưu xâm lược đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, tối ngày 5-3-1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước. Để tỏ thiện chí hòa bình, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh cho Quân đoàn 5 dừng chiến dịch phản công trên hướng Lạng Sơn để tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về nước. Ngày 6-4, quân Trung Quốc rút khỏi thị xã Lạng Sơn. Tuy nhiên, trước khi đi, quân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật, cướp, giết rất giã man trong toàn thị xã nhằm gây khó khăn cho công việc tái thiết về sau.
Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Lạng Sơn tiêu biểu cho cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam trong chiến tranh đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược. Cuộc chiến đấu này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó nổi bật là nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, kiên quyết chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; bài học về tổ chức lực lượng chiến đấu (biết tổ chức phòng thủ, nhưng cũng biết tạm thời rút lui sẵn sàng tổ chức phản công); đồng thời tỏ rõ thiện chí hòa bình hướng đến xây dựng mối quan hệ tốt đẹp lâu dài giữa hai dân tộc Việt Nam-Trung Quốc.
THH