Cuộc chiến chống lực lượng IS của Mỹ và phương Tây: “Chưa có một chiến lược”
Tại Tunisia, một tay súng tấn công khách sạn Riu Imperial Marhaba thuộc khu nghỉ mát Sousse khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là người châu Âu. Ở Pháp, những kẻ tấn công xông vào nhà máy hóa chất công nghiệp của Hoa Kỳ gần Lyon, chặt đầu một người và âm mưu làm nổ nhà máy. Tại Kuwait, kẻ khủng bố đánh bom tự sát một nhà thờ Hồi giáo làm 27 người chết và hơn 200 người bị thương.
Lực lượng IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công ở Kuwait và Tunisia.
Cùng với nhiều nước, Việt Nam đã lên án các vụ tấn công khủng bố nói trên là những hành động dã man, vô nhân đạo.
Sự kiện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức ảnh hưởng của IS, cũng như những mối đe dọa về an ninh mà nhóm này có thể mang lại từ những cuộc tấn công đơn lẻ. Cảm giác, những kẻ khủng bố có khả năng gieo rắc tai họa ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào.
Theo François Heisbourg-Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (London), những vụ tấn công này còn góp phần làm gia tăng sự phân cực chính trị ở châu Âu, nơi mà những nhóm chống Hồi giáo đang dần tăng cường sức ảnh hưởng và nhận được sự ủng hộ lớn hơn.
“Chúng tôi vẫn thực hiện tốt việc giám sát mạng lưới khủng bố, nhưng để chặn đứng các cuộc tấn công đơn độc thì khó khăn gấp nhiều lần”, Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ thừa nhận. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ-Ed Royce nhận xét: “Hiểm họa IS đang lan rộng, vượt qua cả biên giới Iraq và Syria”. Thủ tướng Anh David Cameron tỏ ra lo lắng: “Những gì diễn ra ở Tunisia và Pháp có thể xảy ra ở bất kỳ đâu”.
Trong khi đó trên chiến trường, lực lượng IS mở đợt tấn công vào khu vực phía nam Hasaka, nơi chính quyền Syria và người Kurd đang kiểm soát. Liên Hợp quốc cho biết, tình trạng bạo lực đã làm hàng chục nghìn dân thường phải sơ tán.
Tháng trước, các lực lượng của Iraq đã tự ý rút lui khỏi thành phố Ramadi, giúp phiến quân IS dễ dàng chiếm được thủ phủ tỉnh Anbar. Ramadi thất thủ đã khiến chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phải hứng chịu nhiều áp lực bởi các đơn vị quân đội Iraq làm nhiệm vụ bảo vệ Ramadi là lực lượng được Washington huấn luyện và hỗ trợ về vũ khí.
Tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Đức ngày 8-6, sau khi đổ lỗi cho “quân đội Iraq không có ý chí chiến đấu”, Tổng thống Obama cũng phải thừa nhận rằng IS giờ đây là một kẻ thù có thực lực: nhanh nhẹn, năng nổ và biết nắm cơ hội, và ông chốt: “Chúng tôi chưa có một chiến lược”.
Quả vậy, rất khó để “có được một chiến lược” khi Liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu bất lực trong việc tìm ra giải pháp cho những sai lầm của Mỹ trong quá khứ, đó là, ngọn lửa thù hận của IS ngày nay chính là hậu quả của chính sách chia rẽ thế giới Hồi giáo của Mỹ tại Trung Đông suốt 30 năm qua hòng kiểm soát khu vực này.
Đăng Song