Cuộc chiến 5G
Mạng 5G được dự kiến sẽ nhanh hơn nhiều lần so với mạng hiện tại.
Không phải tới khi bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei, bị bắt ở Canada hồi đầu tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ thì dư luận mới thấy sự quyết liệt trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các quốc gia. Trên thực tế, cuộc chiến giành vị trí tiên phong trong triển khai công nghệ Internet thế hệ thứ năm hay gọi tắt là 5G đang diễn ra khốc liệt và tác động tới mọi mặt an ninh, chính trị, kinh tế… trong quan hệ quốc tế.
Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ngày 1-12-2018, đúng ngày ba hãng viễn thông của Hàn Quốc triển khai 5G, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ này. Điểm mạnh nhất của mạng 5G là siêu nhanh, nhanh gấp 10 lần mạng 4G hiện nay và gián đoạn tín hiệu ở mức tối thiểu, cho phép tốc độ tải xuống lên đến 20 Gigabyte mỗi giây. Nhờ tốc độ vượt trội, nên 5G được kỳ vọng sẽ tạo thành nền tảng tuyệt vời cho nhiều dịch vụ đòi hỏi kết nối xuyên suốt, không bị ngắt quãng giữa con người với các thiết bị hoặc giữa các thiết bị với nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình áp dụng 5G vào các công nghệ như xe tự lái, phẫu thuật từ xa…
Tóm lại, nếu nói thời đại này là thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet kết nối vạn vật hay các công nghệ có liên quan tới Internet thì 5G sẽ giúp bảo đảm điều đó. Quốc gia nào làm chủ việc cung cấp dịch vụ 5G, quốc gia đó chắc chắn sẽ nắm nhiều lợi thế. Huawei của Trung Quốc đang lao vào cuộc đua làm chủ công nghệ này. Theo đánh giá, năng lực của Huawei trong lĩnh vực 5G vượt trội so với Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan hay Samsung của Hàn Quốc.
Vậy nhưng, trong cạnh tranh người ta không so sánh như vậy. Huawei “bị vây” bởi lý do an ninh. Ngày 16-1, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết Bộ Tư pháp nước này đang xem xét các cáo buộc liên quan tới Huawei, cho rằng hãng này đánh cắp bí mật thương mại của các đối tác kinh doanh Mỹ, trong đó có thiết bị robot do T-Mobile sản xuất được sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh. Cùng ngày, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ đã trình các dự luật cấm việc bán các con chip và những linh kiện điện tử khác cho Huawei, ZTE hay những doanh nghiệp viễn thông khác của Trung Quốc, vốn vi phạm những đạo luật kiểm soát xuất khẩu, hoặc các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và là một trong các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới, nhiều năm qua Huawei vẫn bị giới chức Mỹ cho vào "tầm ngắm" do lo ngại điện thoại di động và thiết bị mạng của hãng có thể tạo nền tảng cho hoạt động do thám của Bắc Kinh. Nhật Bản, Australia, New Zealand và Anh đã lần lượt từ chối một số dịch vụ của Huawei do lo ngại an ninh.
An ninh mạng, nhất là mạng 5G, đúng là một lý do để các quốc gia quan ngại nếu không thể tự làm chủ. Ngoài việc 5G cho phép kết nối tốc độ siêu nhanh và liên kết ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống, các trạm phát sóng 5G sẽ là những vệ tinh tầm thấp treo lơ lửng trên đầu các quốc gia, như những “con mắt điện tử” ngày đêm theo dõi. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả. Theo đánh giá hiện nay, dù Hàn Quốc là nước đầu tiên triển khai thử nghiệm 5G, Trung Quốc mới là nước đi đầu trong cuộc đua bá chủ công nghệ này. Nếu Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua này, họ sẽ thiết lập các giao thức cho internet, cũng giống như việc tiếng Anh đã thay thế tiếng Đức như một ngôn ngữ khoa học và trở thành ngôn ngữ của tất cả các hoạt động quan trọng trên quy mô toàn cầu. Chính vì vậy, cuộc chiến 5G trong năm nay sẽ càng khốc liệt hơn.
Ngọc Hưng