Đội phẫu của chúng tôi ở Na Tông được triển khai trong một hang đá khá rộng. Tầng thấp làm phòng mổ và phòng băng; tầng trên làm chỗ nằm cho thương binh. Mỗi lần khiêng thương binh lên xuống khá vất vả. Phong cảnh Na Tông rất đẹp. Ở đây có một con sông nhỏ, nước trong xanh. Vào những đêm trăng cuối thu, sau một ngày làm việc căng thẳng, chúng tôi rủ nhau ra ngồi chơi trên những tảng đá to bên bãi cát ven sông, chuyện trò về đất nước “Triệu Voi”, về nhân dân Lào hiền hậu, tốt bụng, dũng cảm… Những lúc đó, bao nhiêu mệt nhọc, căng thẳng đều tan biến hết. Tôi nhờ một cô bạn có giọng tốt, ngâm mấy câu thơ tôi vừa làm:

Trăng thu vằng vặc mênh mông quá

Gió núi đùa mây vơ vẩn bay

Bóng ai thấp thoáng trong rừng vắng

Để khách đa tình say đắm say.

Sau mấy tháng làm việc liên miên, công việc vãn dần. Chúng tôi được lệnh “lật cánh”qua Đông Trường Sơn, trở về đất mẹ. Binh trạm trưởng Binh trạm 31- Đặng Ba, Chủ nhiệm Quân y binh trạm Ngoạn cùng anh chị em Đội điều trị 31 tiễn chúng tôi rất thân tình. Đi được một quãng, Định (thành viên trong đoàn) chạy vội lên một tảng đá cao, khum hai lòng ban tay làm loa, thét to: Tạm biệt! Tạm biệt! Xin gửi lời chào các anh, các chị, những người lính Quân y làm nhiệm vụ vinh quang trên đất bạn. Hẹn gặp lại mùa khô sau!

Chúng tôi đến trọng điểm 050 (đường 12) lúc 20 giờ. Xe đi trước bị sa lầy. Dung - lái xe của chúng tôi tìm mọi cách mà không tài nào lách lên được. Đồng chí công binh phụ trách ngầm cho chúng tôi biết hồi chiều đám máy bay phản lực rải rất nhiều mìn các loại khắp khu vực trọng điểm. Đồng chí nói tiếp:

- Chúng tôi mới chỉ thu nhặt những quả rơi trên mặt đường để lấy lối đi lại. Hiện tượng này có thể tối nay chúng lại đánh bằng B.52.

- Chúng đánh có quy luật như thế nào? - Tôi hỏi.

- Mấy tối nay, cứ khoảng 21 giờ là bắt đầu đợt thứ nhất; 15 phút sau là đợt thứ hai.

Tôi nhìn đồng hồ. Nếu theo quy luật ấy thì còn 40 phút nữa B.52 sẽ rải thảm đợt thứ nhất. Tôi hội ý với Sinh Anh, để Dung ở lại, nếu đường thông thì cho xe vượt sau. Thống nhất nhanh, 8 anh em chúng tôi cứ theo đường lớn mà chạy tới. Bụi đất bay mù mịt dưới ánh trăng mờ mờ đầu tháng. Nhiều quãng đất tơi như bột, bước ngập tới mắt cá chân. Đến quãng dốc, gặp cây cối đổ ngổn ngang, công binh chưa dọn kịp, vướng lối đi. Ai nấy mệt bở hơi tai, Vừa tới chân dốc, tôi nghe tiếng ù… ù … như xay lúa ở phía xa. Ngoảnh lại, thấy trên trời lóe lên trăm - nghìn tia chớp liên tiếp.

- Nằm xuống! - Tôi hét lên.

Vừa dứt lời thì hàng trăm tiếng nổ kế tiếp nhau rền vang như sấm dậy. Cây cối gãy răng rắc; đất đá đổ ầm ầm, rơi rào rào. Khói lửa, bụi, thuốc bom ngột ngạt cả một vùng. Thật khủng khiếp !

- Có ai việc gì không? - Vừa chạy, tôi vừa hỏi.

Chợt nghe tiếng kêu nho nhỏ:

- Cứu em với. Cứu em với!

Tôi dướn mắt cố nhìn về phía có tiếng kêu, hỏi lại, đầy lo lắng:

- Tám. Bị thương vào đâu?

- Không hiểu làm sao mà em không nâng được đầu lên nữa?

Tôi tiến lại, sờ lên đầu Tám, lần theo mớ tóc, phát hiện một tảng đá khá to đè chịt lên, nên cô không nhấc đầu lên nổi. Tôi cố vần tảng đá sang bên, nâng Tám dậy.

- Chút xíu nữa thì đầu cô bẹp như cái bánh đa! - Tôi nói - thoát chết rồi, ráng chạy nhanh lên!

Nhưng không kịp nữa. Mới chạy được chừng 500m, thì những tia chớp lại lóe lên liên tiếp và đợt bom B.52 rải thảm lần hứ hai trút xuống như mưa. May mắn làm sao, khi chạy đến ba-ri-e đầu trọng điểm, kiểm tra lại, cả 8 anh em đều an toàn; trừ cô Hiền y tá đang thấy tháng, máu ra nhiều quá, phải tiêm thuốc cầm máu và trợ lực cho cô. Vừa lúc đó, có 3 tiếng súng vang lên từ trọng điểm, báo hiệu có thương binh. Đồng chí gác ba-ri-e cho biết có xe đi cứu thương binh. Lập tức, Tám hớt hải chạy đến báo cáo.

- Có thương binh, thủ trưởng cho em đi nhé!

- Cô còn rất mệt - Tôi nói - để cánh nam giới đi thôi.

Nhưng khi leo lên thùng xe, tôi đã thấy Tám ngồi trên đó rồi. Lần ấy, chúng tôi cứu được 2 thương binh, đưa về theo. Trên đường về đơn vị, trong lúc vui chuyện, tôi hỏi Tám:

- Người ta tránh bom đạn, thường hay nằm úp mặt xuống đất, sao lúc B.52 rải bom nhiều như vậy, cô lại nằm ngửa mặt lên trời như trêu người đám giặc lái?

- Người ta bảo càng sợ lại càng hay chết thủ trưởng ạ! - Tám vừa cười vừa đáp - em không sợ chết, nhưng nằm sấp, em sợ không may bị thương vào cột sống, liệt thì khổ lắm!

Ôi! Cái sợ của cô gái mười tám, đôi mươi tuổi hoa ấy đơn giản là vậy!

Rừng Trường Sơn đang ngủ say. Có lẽ chỉ có anh chị em trong Đội phẫu chúng tôi là vẫn hào hứng bàn tán sôi nổi về cuộc “chạy Ma-ra-tông” ngược dốc bất đắc dĩ vượt 5 cây số, vượt trọng điểm 050 dưới “trận mưa” bom B.52.

Đại tá, Anh hùng LLVTND, TTƯT. Tạ Lưu