Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở T.Ư.

"Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" là mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhìn thẳng vào sự thật với nhiều vấn đề tồn tại hằng chục năm trong bộ máy chưa được giải quyết, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị T.Ư Đảng đã phát động cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, chỉ còn 30% chi cho đầu tư phát triển. Trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước; chi trả nợ cả gốc và lãi đến hạn chiếm 23,7% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Sự cồng kềnh về bộ máy với quy mô biên chế lớn không chỉ tiêu tốn ngân sách Nhà nước mà còn hình thành cơ chế phức tạp, phiền nhiễu đang là nút thắt, rào cản đối với sự phát triển của đất nước.

Nhìn nhận đây thực sự là vấn đề khó do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Dự kiến số lượng người bị ảnh hưởng khá lớn với khoảng 100.000 người. Do đó, cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là trong bộ máy nhà nước đã trở thành một nhiệm vụ đặc biệt cấp bách, tạo ra sự chủ động, sáng tạo, đột phá nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia. Đây không chỉ đơn thuần là một bước cải cách hành chính mang tính kỹ thuật mà còn thể hiện quyết tâm chính trị sâu sắc, phản ánh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng về lãnh đạo đất nước. Tổng Bí thư khẳng định: Vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u". Đây là cuộc cách mạng đầy khó khăn, thách thức, phức tạp, nhạy cảm, đầy cam go và có cả sự cản trở, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, sự dấn thân, dũng cảm và hi sinh của cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu trong hệ thống chính trị với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt để việc triển khai được tiến hành nhanh, tích cực và hiệu quả.

Cũng theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải bám sát, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quan điểm của Đảng, T.Ư đã thống nhất, bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính Đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp; phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, của bộ máy. Với phương châm: T.Ư làm trước, địa phương làm sau, T.Ư không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã, với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang tạo ra "sức nóng" mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương và toàn xã hội.

Qua tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại một số địa phương cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm số lượng lãnh đạo, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Như tại tỉnh Thanh Hóa, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 137 tỷ đồng/năm.

Ngày 30-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở T.Ư, trong đó có cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định: Việc 13 cơ quan Đảng, đoàn thể ở T.Ư hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, tinh thần gương mẫu, quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của từng cơ quan và sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở T.Ư. Kết quả này rất đáng phấn khởi, mở đầu cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, phía trước còn rất nhiều công việc phải làm và phức tạp hơn vì liên quan đến cơ chế vận hành, đến sắp xếp tinh gọn đội ngũ cán bộ.

Để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu; thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, hơn bao giờ hết, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng vào công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tạo ra sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, tạo gia tốc cực đại cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Hồ Thanh Hương