Cùng sẻ chia nỗi đau da cam (09/08/2012)

Là đất nước đã bị chiến tranh hóa học hủy hoại nên nhân dân Việt Nam hiểu rõ những hậu quả nặng nề của nó. Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Theo thống kê, từ chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học của Mỹ ngày 10-8-1961 đến khi kết thúc cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất da cam, chứa 366kg đi-ô-xin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích 3,06 triệu héc-ta… Chất độc da cam do Mỹ phun rải này đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh...

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam. Từ năm 2001 đến nay, hơn 30 đề tài khoa học cấp Nhà nước trong Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được triển khai. Công tác tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm như các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát… Công tác phục hồi các vùng đất suy thoái, phục hồi rừng, các hệ sinh thái vốn có, các loại động thực vật hoang dã được đẩy mạnh. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân tỉnh Cà Mau đã trồng được hơn 10.000 ha rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ an toàn khu căn cứ cách mạng. Trong 3 năm (1975-1977), TP Hồ Chí Minh đã trồng được 27.000 ha rừng đước ở rừng ngập mặn Cần Giờ, biến nơi đây trở thành một trong bốn khu sinh quyển quốc gia. Gần đây, hơn 282.000 ha rừng mới trồng trên các vùng đất bị phun rải chất độc hóa học là kết quả của sự lồng ghép với chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta rừng. Các dự án phục hồi rừng đã đạt kết quả khả quan tại Đắc Lắc, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, rừng ngập mặn Cần Giờ, Cà Mau…

Công tác chăm sóc và phục hồi sức khỏe của nạn nhân luôn được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Có trên 50% số hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ nạn nhân chất độc da cam được hưởng BHYT hoặc khám chữa bệnh miễn phí; 200.000 lượt người tàn tật nặng, trong đó có các nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; 25% số trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường chuyên biệt và hòa nhập. Cả nước hiện có hàng chục trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam; trong đó có Làng Hữu Nghị Hội CCB Việt Nam và các làng Hòa Bình trên cả nước; hơn 1 triệu nạn nhân chất độc da cam đã được cải thiện đời sống, được học nghề và tìm được việc làm. Cùng với sự trợ giúp, chia sẻ to lớn của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong nước cũng như ngoài nước, của cộng đồng xã hội, tuy còn rất nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội và nguồn ngân sách nhưng mỗi năm, Nhà nước ta vẫn dành ra khoản tiền hơn 50 triệu USD để trợ cấp thường xuyên cho các nạn nhân chất đôc da cam. Từ tháng 1-2004 đến ngày 31-12-2010, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã ủng hộ Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam” 186,8 tỷ đồng và số tiền này đã được sử dụng xây dựng 1.532 nhà tình nghĩa, 12 cơ sở nuôi dưỡng bán trú, cấp 733 suất học bổng, 32.000 suất trợ cấp vốn sản xuất, khám chữa bệnh và tặng quà cho hơn 160 vạn lượt nạn nhân và gia đình nạn nhân. Năm 2012-2013, đặt mục tiêu xây dựng 46 cơ sở nuôi dưỡng bán trú, 1.160 ngôi nhà tình nghĩa, cấp 2.320 suất học bổng, trợ giúp 2.320 suất tìm việc làm cho con nạn nhân, xây dựng 3 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân ở ba miền Bắc - Trung - Nam với tổng số tiền vận động là 250 tỉ đồng. Trong những thành tích ấy có vai trò nổi bật của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam với hệ thống tổ chức Hội ở T.Ư và trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố; 400 quận, huyện; 3.500 xã, phường. Ngày 30-1-2004, Hội và một số nguyên đơn gửi đơn đến Tòa án sơ thẩm quận Brốc-lin, bang Niu Y-oóc (Hoa Kỳ) kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam… Vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, tạo bước chuyển biến về nhận thức và tâm thức, tính lương tri trong nhân dân Mỹ, tác động đến thái độ và hành động của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam, hình thành phong trào quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Kỷ niệm 51 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, mỗi một tổ chức, mỗi một người Việt Nam chúng ta cũng như bạn bè quốc tế cùng chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân; cùng nhau làm nhiều hơn, làm tốt hơn các công việc giúp đỡ nạn nhân da cam đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 11-3-2005): “Cùng nhau chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam/đi ô xin, chúng ta có quyền tự hào vì trước sự tàn khốc của chiến tranh, của hóa chất độc hại, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vẫn luôn ngời sáng…”.

Quốc Huy