Cứ như là ông tướng ấy (05/08/2010)
Vào những năm 1949-1950 - khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp ngày càng mở rộng, Thanh Hoá trở thành địa bàn chuyển tiếp, nối liền hậu phương với tiền tuyến, nối liền vùng tự do với vùng tạm bị chiếm. Vì vậy, vùng đất này, bộ đội và dân công đi về ngày đêm tấp nập. Nhiều đơn vị bộ đội qua lại nghỉ tạm nhiều lần ở nhà dân, nên tình cảm quân dân càng trở nên sâu nặng. Nhân dân coi bộ đội - từ đồng chí cấp dưỡng đến đồng chí chỉ huy cao cấp như người thân trong họ hàng làng xóm. Bà con thường nhắc tới tên các sĩ quan cao cấp với lòng đầy tự hào và kính trọng.
Lần ấy, vào một buổi sáng tinh mơ, trời còn mờ đất, một tốp đông phụ nữ gồng gánh nghênh ngang kéo đi chợ, làm cản trở cả con đường lớn. Bỗng từ phía sau có đoàn người rộn lên tiếng chuông xe đạp “kính coong, kính coong”. Các bà các chị quay lại nhìn, thấy một người đàn ông tầm thước, đã “cứng tuổi”, mặc bộ quân phục bạc phếch, quần ống thấp, ống cao, ngồi trên chiếc xe đạp gỉ, không phanh, không chắn bùn, chắn xích. Tất cả liền đồng thanh bằng giọng ngoa ngoắt: “Làm gì mà ghê thế, có xuống xe không thì bảo? Cứ như là ông tướng ấy!”.
Người đàn ông vội xuống xe, bước gần lại phía các bà, các chị, cười nói xuê xoa:
- Giỏi, giỏi, các bà nói đúng đấy!
Rồi, người đàn ông ghé sát vào tai mấy bà đứng gần đó, giọng hạ thấp, đủ nghe:
- Tướng đây, tướng Nguyễn Sơn đây các bà ơi! Tôi vội đi, có việc gấp, mong các bà thông cảm, việc quân khẩn cấp ma !
Đang từ giọng nói ngoa ngoắt, chanh chua, các bà, các chị chuyển hẳn sang giọng ngọt ngào, ấm áp:
- Thiếu tướng đấy ạ? Bác Sơn đấy ạ? Tưởng ai, bọn em xin lỗi bác!...
Nói rồi, mọi người dãn ra, nhường đường cho vị tướng vốn được dân quý mến đi trước.
Thục Hương