Cú hạ cánh táo bạo
Đại tá Vũ Văn Sỹ trong một chuyến bay trên máy bay L-39.
Dù không thuộc thế hệ trực tiếp tham gia các trận chiến đấu trên không như những lớp đàn anh đi trước, nhưng với CCB - Đại tá Vũ Văn Sỹ - nguyên Phó hiệu trưởng - Tham mưu trưởng, Trường sĩ quan Không quân lại có nhiều chiến công trong huấn luyện đào tạo học viên phi công quân sự.
Là người con quê hương Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) năm 1979, chàng trai trẻ Vũ Văn Sỹ đã trúng tuyển vào khóa đào tạo bay cơ bản, rồi thực hành bay trên hai loại máy bay L-39 và Mig-21 tại Trường sĩ quan Không quân.
Năm 1983, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, anh được điều làm nhiệm vụ ở nhiều trung đoàn bay trực ban chiến đấu 4 năm liên tục, qua đó tích luỹ nhiều kinh nghiệm trước khi được điều về Trung đoàn 920, Trường sĩ quan Không quân làm giảng viên bay trên loại máy bay Mig-21.
Suốt 22 năm (từ 1987-2009) làm giảng viên với nhiều “bài giảng trên trời”, cùng với giờ bay gần 1.700 giờ, huấn luyện và đào tạo được 45 học viên phi công tốt nghiệp ra trường với tỷ lệ thành công trên 90%. Ngoài ra, anh còn tham gia chỉ huy trên 200 ban bay và xử lý thành công 15 vụ nguy cơ mất an toàn bay trên không.
Nói về những kỷ niệm sâu sắc nhất những năm tháng làm giảng viên bay của mình, Đại tá, CCB Vũ Văn Sỹ bồi hồi kể lại: “Vào giữa năm 1992, trong Ban bay huấn luyện phục vụ đoàn kiểm tra của Quân chủng, tôi và Thượng tá Bùi Doãn Độ - Thanh tra bay Quân chủng thực hiện bài bay nhào lộn phức tạp trên chiếc máy bay mang số hiệu 8217, sau khi hoàn thành bài bay trở về hạ cánh, đến vòng 3 khi thực hiện động tác thả càng nhưng càng không ra, sau khi báo cáo và được phép của chỉ huy bay, tôi thực hiện lại động tác thả càng và làm quá tải nhiều lần cho càng ra nhưng đều bất thành. Liếc thấy đồng hồ lượng dầu báo chỉ còn trên 220 lít (dầu dưới mức nguy hiểm). Đoán chắc dưới sân bay, ai nấy đều hồi hộp lo lắng cho tôi và Độ. Khi biết càng không thể ra được, được chỉ huy bay cho phép tìm vị trí thuận lợi để thoát ly nhảy dù, bỗng trong đầu tôi ló ra ý nghĩ, nếu nhảy dù thì tính mạng được an toàn, nhưng tài sản của nhà nước và quân đội sẽ mất, đó là một khối tài sản lớn. Rất nhanh, chỉ vài giây suy nghĩ, tôi quyết định xin phép chỉ huy bay được hạ cánh trượt bụng để giữ máy bay. Được chỉ huy bay đồng ý, tôi bình tĩnh xử lý tình huống để đưa máy bay hạ cánh trượt bụng xuống đường băng đất an toàn trong niềm vui vỡ òa của đồng đội trên sân bay”.
Trong khi đồng đội ùa đến ôm lấy nhau mừng rỡ, sẻ chia lòng quả cảm với tinh thần trách nhiệm cao, nhờ đó giữ được khối tài sản lớn cho Nhà nước, cho Quân đội, thế nhưng anh đã bị thương (thương tật 4/4). Nhưng cũng từ đây, bài học về lòng dũng cảm, bình tĩnh, sáng tạo trong xử trí tình huống bất trắc trên không của người giảng viên phi công, mãi mãi được các thế hệ giảng viên và học viên khâm phục, noi gương.
Đặc biệt, sau bài học để đời, nhờ có kinh nghiệm xử lý tình huống ấy nên ngày 27-6-2006, trong Ban bay huấn luyện do anh trực tiếp chỉ huy bay, máy bay của Trung úy Ngô Sĩ Minh - Biên đội trưởng khi về hạ cánh khi thả càng đã xảy ra tình huống tương tự, sau nhiều lần thực hiện nghiêm các nguyên tắc bay, đồng thời máy bay đã gần hết nhiên liệu có thể cho phép phi công nhảy dù được, nhưng anh đã bĩnh tĩnh hỏi phi công nhảy dù hay quyết tâm hại cánh. Tin tưởng vào người thầy, Ngô Sĩ Minh cũng đã bĩnh tĩnh thực hiện các động tác cần thiết theo hướng dẫn và đã hạ cánh an toàn. Minh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Bằng khen của Bộ Quốc phòng và là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2006.
Bài, ảnh: Công Thi