CPI tháng 8 năm 2012 tăng 0,63% (25/08/2012)

Diễn biến CPI trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy: CPI tính theo tháng sau so với tháng trước của tháng 8 đã tăng 0,63%. Đây là tháng tăng sau 2 tháng liên tiếp CPI đã mang dấu âm. Diễn biến này cho thấy khả năng cả năm nay CPI thậm chí còn tăng thấp hơn tốc độ tăng cả năm 2006 (6,6%) và năm 2009 (6,52%) và không những thực hiện được mục tiêu đề ra ban đầu (dưới 10%) mà còn thực hiện được mục tiêu định hướng mới đưa ra gần đây (7- 8%).

Tốc độ tăng CPI chậm lại nhanh chóng và giảm liên tiếp trong 2 tháng liền trước đó, được nhìn nhận cả về các mặt tích cực, cũng như cả về các mặt tiêu cực.

Về nguyên nhân, việc thắt chặt tài khoá, tiền tệ đã góp phần chặn đứng được lạm phát, nhưng cũng gây ra hiệu ứng phụ trong khi Thủ tướng Chính phủ từ rất sớm đã chỉ đạo phải hạ lãi suất, ngay trong Nghị quyết 13/NQ-CP đã chỉ đạo cơ cấu lại nợ…

Về hậu quả, bên cạnh việc mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp, thu nhập bằng tiền cố định; nhưng lại có hiệu ứng phụ là tăng trưởng kinh tế thấp so với cùng kỳ năm trước; mặc dù đã nỗ lực thoát đáy vượt dốc đi lên, nhưng cũng khó đạt được mục tiêu cả năm.

Số liệu thống kê lịch sử cho thấy, CPI thường tăng cao hơn vào những tháng cuối năm khi nhu cầu đầu tư, sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng cao lên và cộng hưởng với nhau, trong khi năm nay, tăng trưởng tín dụng tính theo tháng sẽ cao hơn nhiều năm để bù cho tốc độ tăng trưởng mang dấu âm hoặc tăng thấp trong 8 tháng đầu năm.

Số liệu thống kê lịch sử cũng cho thấy, trong 8 năm trước đây, CPI tăng thấp vào 1 năm thì có 2 năm tăng cao. Nếu lặp lại chu kỳ này, sau 2 năm (2010, 2011), CPI tăng cao, năm 2012 sẽ tăng thấp hơn, nhưng năm 2013 có thể tăng cao hơn.

Để tránh lặp lại chu kỳ trên, cần có sự thận trọng trong các việc sau đây

Thứ nhất, cần hết sức thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thứ hai, cần hết sức thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khóa. Trong điều kiện thu ngân sách gặp khó khăn, bội chi ngân sách còn lớn, cần giám sát chặt chẽ chi tiêu công, đầu tư công, nếu không sẽ làm tăng bội chi, làm cho lạm phát cao trở lại.

Thứ ba, việc thực hiện lộ trình giá thị trường là đúng hướng và cần thiết, nhưng cần tránh điều chỉnh dồn dập nhiều loại trong cùng thời gian và thời gian liền nhau sẽ tạo ra lực cộng hưởng (lớn hơn từng lực riêng rẽ và cộng hưởng với yếu tố tâm lý).

Thứ tư, nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát cao chính là hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động thấp. Vì vậy, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được đẩy mạnh hơn, khắc phục sức ỳ của bước khởi đầu. Đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục tính giật cục, tính cực đoan trong điều hành và sự buông lỏng trong việc giám sát kiểm tra khi chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng.

Chí Đức