COP-20 chỉ đạt được thỏa thuận tối thiểu

Sau khi phải kéo dài hơn so với dự kiến 2 ngày, hôm 14-12, Hội nghị lần thứ 20 (COP-20) các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC) diễn ra tại Lima (Peru) đã đạt được một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ đưa ra thảo luận tại COP-21 được tổ chức tại Paris (Pháp) vào năm tới.
Theo thỏa thuận, 196 nước và vùng lãnh thổ tham gia UNFCC sẽ phải thông qua các chương trình quốc gia nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, cho tới thời hạn không chính thức là ngày 31-5-2015. Cũng theo thỏa thuận này, các thành viên sẽ phải bổ sung 1 bản báo cáo vào ngày 1-11-2015, để đánh giá về các nỗ lực của mình nhằm đạt mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ của trái đất, chỉ ở mức cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây được coi là cơ sở để tiếp tục xây dựng nội dung dự thảo thỏa thuận, sẽ được đưa ra thảo luận tại COP-21 vào năm tới.
Ông Manuel Pulgar Vidal, Bộ trưởng Môi trường Peru và là Chủ tịch Hội nghị cho biết: "Văn bản này không phải là hoàn hảo, song nó tôn trọng quan điểm của tất cả các bên. Với văn bản này, tất cả chúng ta đều là người chiến thắng, không có ngoại lệ nào cả”.
Mặc dù vậy, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng, thỏa thuận Lima vẫn chưa mang nhiều tính ràng buộc với các bên tham gia, và có thể làm suy yếu các nguyên tắc quốc tế về khí hậu.
Bà Samantha Smith, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên cho rằng: "Văn kiện này không mang nhiều ràng buộc. Các bên tham gia chỉ thông qua những điều khoản chống biến đổi khí hậu mang tính tự nguyện, tùy theo mong muốn của họ. Viễn cảnh là sau khi đã hoàn tất những điều khoản này, chúng ta cũng khó có thể đánh giá được liệu đã ngăn chặn được những nguy cơ biến đổi khí hậu hay chưa. Chúng tôi chỉ biết hi vọng vào những tuyên bố từ phía Mỹ và Trung Quốc, hay các cam kết về năng lượng tái tạo và bảo vệ rừng của các quốc gia Mỹ La tinh. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài đầy khó khăn để có thể đạt được một thỏa thuận toàn cầu toàn diện hơn tại Pari vào năm sau”.
Trong khi đó, Ủy ban các nhà khoa học về khí hậu của LHQ cho rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thế giới phải giảm xuống mức hoàn toàn bằng 0% vào năm 2100 mới có thể giảm thiểu những nguy cơ tồi tệ nhất do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.
COP-20 là hội nghị cuối cùng, trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về khí hậu tại vòng thảo luận năm sau tại Pháp, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Đăng Bình