** Hàng kém chất lượng bán tại nhà văn hóa thôn.**
Biết chuyện đau lòng này, chúng tôi về xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu. Thật xót xa, cơn bão số 10 vừa đi qua dân đang lo chạy ăn từng bữa…
Bà Nguyễn Thị Nghi kể: “Chiều ngày 9-9, loa phóng thanh của thôn thông báo: Có một công ty do UBND huyện Nghi Xuân giới thiệu sẽ về tổ chức hội thảo, giới thiệu các mặt hàng bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Rồi bà chi hội trưởng phụ nữ thôn đi phát giấy mời cho từng người kèm theo lời dặn: “Nhớ đi, sẽ được nhận quà”. Người dân thôn Nam Mới, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân phán ánh sự việc. Mọi người thuật lại chiêu lừa đảo của Công ty Cổ phần Tổ chức Sự kiện Thái Bình Dương (Cty TBD): 19h30 tại nhà văn hóa thôn, hầu hết người dân thôn Nam Mới có mặt đông đủ. Tại đây, có 4 người giới thiệu là cán bộ, nhân viên của Cty. Khi mọi người ổn định, một người trong số họ phát biểu: Được sự nhất trí của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, hôm nay chúng tôi tổ chức gặp mặt bà con để giới thiệu sản phẩm chứ không bán hàng..”.
Đầu tiên, họ đưa ra một bóng đèn điện và giới thiệu: Đây là bóng đèn Led tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, giá 50 nghìn đồng.
Có một số ít người mua. Đến mặt hàng thứ hai là một hộp dung dịch lau kính, làm sạch đồ da. Sau khi giới thiệu xong, những người bán hàng bất ngờ trả lại 50 nghìn đồng cho những ai trước đó đã mua bóng đèn Led. Rồi họ tiếp tục bán hộp dung dịch lau kính với giá 100 nghìn đồng.
Lần này số người mua tăng lên nhiều. Ai cũng nghĩ sẽ được trả lại tiền. Mặt hàng thứ ba được giới thiệu là nồi áp suất, được sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản. Họ dùng nồi đó hầm một con gà, rồi xé thịt gà ra mời những người có mặt ăn thử.
Khi chưa kịp cảm nhận vị thịt gà, thì điều mọi người mong đợi đã đến: Người bán hàng trả lại tiền cho những ai đã mua hộp dung dịch lau kính… Tất cả mọi người ồ lên sung sướng.
Người bán hàng nói: “Nồi áp suất này ngoài thị trường có giá 3,2 triệu đồng, nhưng công ty chỉ bán 2,2 triệu đồng. Có ai mua không?”
Mọi người lộ rõ sự tiếc nuối vì không mang theo tiền.
Lập tức, người bán hàng nói: “Chúng tôi sẽ đợi bà con 10 phút”.
Nghe vậy, tất cả người chạy ào về nhà lấy tiền. Ai cũng sợ chậm mất phần… Chỉ trong chốc lát, 27 chiếc nồi áp suất đã được bán hết với giá 2,2 triệu đồng/1 chiếc. Không những thế, người mua còn được tặng thêm một chiếc chảo điện, có giá 1,5 triệu đồng.
Khi mọi người đang chờ đợi được trả lại tiền như những món hàng trước đó, thì người bán hàng đã lên xe ô tô đi mất.
Xem các mặt hàng thấy chiếc nồi áp suất mang nhãn hiệu Tosaka VietNam, địa chỉ nơi SX: 16/11 Huỳnh Văn Nghệ, Tân Bình, Hồ Chí Minh. Còn chảo điện mang nhãn hiệu Sasuke, thì không có địa chỉ sản xuất, mà chỉ có đơn vị phân phối là: Công ty CP truyền thông VINACO. Trên góc hộp của cả hai sản phẩm đều có in hàng chữ: “Sản phẩm bảo hành 12 tháng”. thế nhưng, phiếu bảo hành lại ghi: Công ty TNHH tổ chức sự kiện-Truyền Thông HTL, bảo hành 2 năm.
Bà Nguyễn Thị Thường, 63 tuổi, phàn nàn: “Tôi thử nồi áp suất nhưng điện không vào. Sang các nhà khác hỏi cũng thế”.
Lúc này, mọi người mới biết họ bị lừa.
Hôm đó, cùng với thôn Nam Mới, Cty TBD còn bán ở 3 thôn khác là Nam Sơn, Bắc Sơn, Ngư Tỉnh. Có tất cả 175 hộ dân mua hàng, với tổng số tiền 437,5 triệu đồng.
**“Đường đi” của công văn huyện **
Chúng tôi hỏi sao dân cả tin thế, ông Trương Công Hoàn, xóm trưởng xóm Nam Mới, phân trần: “Ban đầu, chúng tôi không đồng ý. Nhưng những người của Cty xuất trình giấy giới thiệu của UBND xã Cương Gián, kèm theo công văn của huyện Nghi Xuân nên mới đồng ý bán hàng kiểu này”.
Nói rồi ông đưa chúng tôi xem Công văn số 1251/UBND-KTHT của UBND huyện Nghi Xuân do Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Tiến Hưng ký có nội dung: “UBND huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện cho Công ty CP tổ chức sự kiện Thái Bình Dương trong quá trình liên hệ tổ chức thực hiện chương trình khuyến mãi, tư vấn và phân phối sản phẩm trên địa bàn…”. Công văn còn ghi rõ tên hàng hóa sẽ phân phối gồm: “Nồi áp suất đa năng Sviệt, Nồi cơm điện Sviệt, Máy sinh tố TOSAKA, Chảo điện đa năng TOSAKA…”.
Chúng tôi đến UBND huyện Nghi Xuân, gặp ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện. Ông Hưng cho biết: “Chưa nhận được thông tin gì của bà con. Công văn trên tôi ký từ tham mưu của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện với nội dung: “Cho phép Công ty Thái Bình Dương tổ chức hội chợ”.
Ông Hưng giới thiệu chúng tôi làm việc với ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng Phòng Kinh tế h ạ tầng huyện Nghi Xuân. Ông Hải khẳng định: “Công văn này không phải cho phép tổ chức hội chợ. Trước khi soạn thảo công văn trình cho Phó chủ tịch ký, chúng tôi đã kiểm tra và thấy Công ty này có địa điểm kinh doanh cụ thể, rõ ràng”.
Tôi hỏi: “Phòng có kiểm tra xuất xứ và chất lượng hàng hóa trước khi ghi vào công văn không?”.
Ông Hải trả lời: “Chúng tôi kiểm tra qua hồ sơ thôi”. Ông Hải nói thêm: “Đối với Cty TBD, chúng tôi yêu cầu: “Sau 7 ngày tổ chức bán hàng, Cty phải báo cáo cho UBND huyện biết”.
Khi chúng tôi đề nghị được xem báo cáo của Công ty bán hàng, thì ông Hải nói: “Hiện đã quá hạn mấy ngày, nhưng Cty chưa nộp báo cáo cho huyện”.
Để biết rõ hơn về chất lượng các sản phẩm dân đã mua, chúng tôi đưa nồi áp suất và chảo điện đến Siêu thị Điện máy Trần Anh (số 7 Quang Trung, Vinh) để nhờ Siêu thị kiểm tra giúp. Ông Trần Văn Nhất, Giám đốc siêu thị khẳng định: “Tất cả các mặt hàng này không có nguồn gốc xuất xứ; không được dán tem kiểm định chất lượng của Bộ Công thương”.
Đến 116/11 Huỳnh Văn Nghệ, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh - địa chỉ được ghi ở thùng cac-tông giấy đựng nồi áp suất, chúng tôi thấy một ngôi nhà 2 tầng, nằm trong con hẻm rộng chừng 4m, hoàn toàn không có dấu hiệu của hoạt động sản xuất. Người bán hàng tạp hóa đối diện cho biết: “Nhà này không sản xuất gì, chỉ đi bán hàng gia dụng theo hình thức trả góp cho công nhân ở các khu nhà trọ”.
Thấy người lái chiếc xe tải cỡ nhỏ biển số 54T 9696 đỗ lại trước cổng, chuyển một số thùng các-tôn vào nhà, tôi đưa nồi áp suất điện Tosaka hỏi. Người tài xế cho biết: “Ở đây nhập sản phẩm về rồi bán, chứ không sản xuất...”.
Như vậy, rõ ràng những mặt hàng do công ty Thái Bình Dương bán tại xã Cương Gián là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thế nhưng không hiểu tại sao, những sản phẩm này lại được ghi cụ thể trong công văn của UBND huyện Nghi Xuân khi chưa hề có sự kiểm tra chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ. Cũng vì tin vào nội dung của Công văn này, mà những người dân ở xã Cương Gián không hề nghi ngờ, bỏ tiền ra mua các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
**Có bán giấy phép bán hàng? **
Để làm rõ câu hỏi này, chúng tôi gọi vào số điện thoại được ghi ở thùng các-tông đựng nồi áp suất. Người nghe máy thận trọng nói: “Sẽ liên lạc lại qua điện thoại…”.
Chiều ngày 26-9-2017, một phụ nữ tên T gọi lại cho chúng tôi bằng số máy 0968566… và cho biết: “Công ty tôi đã cung cấp các sản phẩm hàng gia dụng Tosaka cho Cty TBD đi bán các ở các xã huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh”.
Nghe đặt vấn đề muốn nhập sản phẩm, người phụ nữ này qua máy điện thoại thông minh gửi ngay hình ảnh nồi áp suất và chảo điện cho chúng tôi. Đây đúng là các sản phẩm mà Cty TBD đã bán tại xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chị ta báo giá: “Nồi áp suất: 630 ngàn đồng, chảo 340 ngàn đồng bao gồm tiền vận chuyển”.
Chị ta tiết lộ: “Hiện ở Hà Tĩnh có 15 đội, mỗi đội 5 người đang bán hàng rồi. Mấy ngày nữa sẽ đưa quân sang đánh ở Nghệ An”.
Chị T khẳng định: “Em lấy giấy phép bán hàng ở xã do UBND huyện cấp mất 7 triệu đồng. Hiện đã lấy giấy phép ở 8/11 huyện ở Hà Tĩnh cho Cty TBD rồi”.
Tôi nói: “Sẽ bán hàng ở Nghệ An”. Người phụ nữ tên T nói: “Nếu anh lấy hàng của HTL, tôi sẽ xin “Giấy phép bán hàng tại xã” ở tất cả các huyện trong tỉnh Nghệ An cho. Giá 7 triệu đồng/ một giấy phép với thời hạn 3 tháng”. Chị T còn cho biết các sản phẩm Tosaka hiện đã được tập kết ở kho tại huyện Yên Thành, Nghệ An”.

**Bài, ảnh Thế Sơn
**