Công tác Tôn giáo - vấn đề chiến lược của Đảng
Đại diện Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tặng quà hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Thạnh Qưới, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ảnh: Phương Nghi
Bác Hồ kính yêu - vị “Cha già dân tộc” - Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Người cũng là “kiến trúc sư” về những tư tưởng đổi mới của Đảng, trong đó có tư tưởng về tôn giáo.
Theo Người, công tác tôn giáo là công tác về con người, vì con người. Mà mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta đạt đến cũng chính là về con người và vì con người. Với tư tưởng nhân văn đó, ngay sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, trong bộn bề công việc, Bác đã yêu cầu: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết…”.
Dưới ánh sáng về tư tưởng tôn giáo của Người, trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược của Đảng. Tại Nghị quyết 24, ngày 16-10-1990, của Bộ Chính trị (Khóa VI), về tôn giáo đã nêu hai luận điểm mang tính đột phá: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới.
Luận điểm của Đảng không chỉ khơi dậy những suy nghĩ, hành động tích cực của cả người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo, mà còn là sự khẳng định những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo trong nền văn hóa dân tộc.
Từ sau khi ban hành Nghị quyết 24, Đảng ta còn ban hành nhiều văn kiện khẳng định và phát triển tư duy đổi mới về tôn giáo của Đảng, như: Chỉ thị 37/CT-TW ngày 2-7-1998 của Bộ Chính trị về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới” và nhiều văn kiện khác nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đặc biệt là Nghị 25 ngày 12-3-2003 của BCH T.Ư (Khóa IX) có ý nghĩa như kim chỉ nam cho công tác tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: “Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị ở các vùng đồng bào tôn giáo, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước”.
Quan điểm của Đảng về hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành thống nhất nhận thức: Tín ngưỡng, tôn giáo đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc.
Đảng ta cho rằng mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, vừa nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo, vừa tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách, pháp luật của nhà nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” trong tín đồ, chức sắc nhà tu hành ở cơ sở, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đi đôi với giữ gìn, phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và tri ân những người có công với Tổ quốc, dân tộc, nhân dân, phải đấu tranh chống những tà đạo, hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dung tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân.
Phạm Nguyễn