Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CCB: Nhiều cách làm sáng tạo
7 CCB ở tỉnh Đắk Nông sau khi chấp hành án xong (1 người đã mất), tiếp tục kêu oan và đã được TAND cấp cao tại T.P Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm vụ án này và ra quyết định kháng nghị cho rằng hai cấp tòa kết tội các bị cáo hủy hoại rừng là không đủ căn cứ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CCB được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của Hội CCB Việt Nam, được quy định trong Pháp lệnh Cựu chiến binh (Khoản 5, Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh) và Điều lệ Hội Cựu chiến binh. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho CCB được các cấp Hội triển khai thực hiện tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội viên CCB không chỉ tiếp cận được pháp luật, mà còn được hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như tổ chức Hội.
Theo báo cáo của Hội CCB các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30-10-2021, toàn Hội đã thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được 238.380 vụ việc cho CCB có nhu cầu. Chất lượng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho CCB bằng văn bản bảo đảm chuẩn xác về pháp luật, hướng dẫn tỉ mỉ từng nội dung và cách thức thực hiện; chỉ dẫn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tư vấn pháp luật trực tiếp là hoạt động thường xuyên được thực hiện ở trụ sở các cấp Hội. Mỗi năm, có hàng nghìn lượt CCB có nhu cầu giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý. Mọi yêu cầu của CCB đều được ghi chép đầy đủ, hướng dẫn tận tình, giúp CCB có kiến thức pháp luật để vận dụng khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 8.580 lượt CCB được tư vấn pháp luật trực tiếp thuộc các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, dân sự, kinh tế, đất đai, thừa kế, hôn nhân và gia đình..; hoặc được hướng dẫn cụ thể việc bồi thường khỉ thu hồi đất, chế độ, chính sách đối với Người có công...
Trong đó, Ban Pháp luật T.Ư Hội CCB Việt Nam thực hiện tư vấn pháp luật trực tiếp tại trụ sở cho 762 lượt CCB và tham mưu cho T.Ư Hội ban hành 24 bản kiến nghị quan trọng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khắc phục hoặc sửa chữa oan sai, bồi thường cho CCB đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, như: Vụ án 7 CCB ở Đắk Nông được Tòa án Phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm đã kết tội 7 CCB; vụ kiện bồi thường giải phóng mặt bằng của 7 CCB Nghệ An được bồi thường hơn 8,1 tỷ đồng; vụ CCB Trần Minh Thắng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố hình sự được đình chỉ điều tra do không có dấu hiệu hình sự; vụ án của doanh nhân CCB Nguyễn Đăng Thành ở Ninh Bình được Tòa án cấp phúc thâm xử hủy án có lợi cho CCB...
Hằng năm, Ban Pháp luật T.Ư Hội nghiên cứu, tham mưu giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đến lãnh đạo Hội là Đại biểu Quốc hội. Số đơn của cử tri được thụ lý 3.120 lượt đơn của 1.856 cử tri. Đại biểu Quốc hội đã giải quyết 2.658 lượt đơn (chiếm 85,20%), lưu 462 lượt do đơn đã giải quyết nhiều lần hoặc không đủ điều kiện giải quyết (chiếm 14,80%). Các cơ quan phúc đáp 827/2.658 lượt chiếm 21,90% số lượng đơn chuyển đi.
Các cấp Hội tập trung nghiên cứu và báo cáo Thường trực T.Ư Hội phương án giải quyết một số vụ việc phức tạp, kéo dài. Thường trực T.Ư Hội đã có 72 văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi hợp pháp của CCB, hội viên CCB. Cử cán bộ tham dự phiên tòa đế bảo vệ quyền lợi cho CCB trong các vụ án hình sự, dân sự... có liên quan đến CCB và hội viên (như vụ việc của 45 CCB ở tỉnh Tuyên Quang, CCB Nguyễn Hữu Lĩnh ở Bắc Ninh, CCB Hoàng Văn Bồng ở Lạng Sơn, CCB Dương Văn Phúc ở T.P Hồ Chí Minh, CCB Dương Nguyên Thái ở T.P Hà Nội...
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ (CLB) trợ giúp pháp lý giúp nhiều CCB có nhu cầu tư vấn pháp luật tham gia sinh hoạt, trao đổi vướng mắc pháp luật nhằm tăng khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ nhau giải quyết vướng mắc thông qua trao đổi về pháp luật tại buổi sinh hoạt CLB. Đây cũng là hình thức CCB giúp CCB về mặt pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nhiều tổ chức Hội đã mời cán bộ chuyên ngành luật đến thông tin pháp luật có liên quan theo chủ đề sinh hoạt hoặc tư vấn cho CCB giải quyết vướng mắc về pháp luật tại các buổi sinh hoạt CLB nên rất thiết thực. Hoạt động của các CLB đã góp phần nâng cao nhận thức của CCB về công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý; giới thiệu hoặc hướng dẫn CCB các thủ tục pháp lý để thực hiện. Thông qua hoạt động, sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý, CCB đã tiếp cận được pháp luật, nắm vững pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có vướng mắc...
Ngoài ra, hoạt động hòa giải trong trợ giúp pháp lý được coi là hoạt động thành công nhất của Hội CCB ở cơ sở. Các Tổ hòa giải do CCB là Tổ trưởng đã thực sự giúp giải quyết được vướng mắc kịp thời, nhẹ nhàng, đúng pháp luật; rất nhiều vụ việc hòa giải thành nên CCB tự nguyện rút đơn kiện, tự giải quyết các tranh chấp với nhau, giữ gìn được tình làng, nghĩa xóm. Hầu hết các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên phạm vi cả nước đều có các Tổ hòa giải do CCB làm tổ trưởng hoạt động mạnh, hiệu quả.
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, Hội CCB các cấp đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của CCB và gia đình CCB; giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện; nâng cao hiểu biết pháp luật cho CCB; tạo niềm tin đối với Hội CCB Việt Nam.
Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng ban Pháp luật T.Ư Hội CCB Việt Nam