Công nghiệp lưỡng dụng: Chủ trương đúng, giải pháp trúng

Sản xuất pháo hoa tại Nhà máy Z121. Ảnh: Báo Nhân Dân

Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia và của tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước. Vì vậy, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệpxây dựng vàbảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và giải pháp để phát triển công nghiệp lưỡng dụng. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại tập trung xuyên tạc chủ trương đúng đắn này. Thực tế, phát triển công nghiệp lưỡng dụng tại Nhà máy Z121 và một số cơ sở thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã phản bác các quan điểm sai trái đó.

Chủ trương đúng

Công nghệ lưỡng dụng” (Dual-use technology)  bao gồm các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự. Nếu như công nghệ chế tạo vũ khí, đạn bộ binh có tính chuyên biệt cao nên rất khó kết hợp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng dân sự trên cùng một dây chuyền sản xuất, thì ngược lại, các chủng loại trang thiết bị của các quân chủng, binh chủng, như: xe quân sự, ra-đa, tàu chiến, máy bay... lại có thể áp dụng công nghệ lưỡng dụngđể sản xuất, ô tô, máy bay dân dụng, tàu thủy…Công nghệ thiết kế tên lửa đạn đạo vượt đại châu và tên lửa  có thể dùng để sản xuất tên lửa đẩy phục vụ phóng vệ tinh vũ trụ hoặc phục vụ các mục đích dân sự… Sử dụng công nghệ lưỡng dụng trong sản xuất công nghiệp được gọi là công nghiệp lưỡng dụng.

Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) theo hướng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của ta (xưởng quân giới, xưởng công binh) được xây dựng ở  nhiều nơi trong vùng tự do và chiến khu với quy mô vừa và nhỏ đã chú trọng đến sản xuất. Theo số liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, năm 1949, cả nước có khoảng 130 xưởng sản xuất vũ khí, 21 cơ sở quân dược, 20 cơ sở sản xuất quân nhu và hàng chục xí nghiệp sản xuất xà phòng, giấy, vải sợi,… Quân đội ta lúc đó đã sản xuất được một số loại vũ khí lớn như súng không giật SKZ, ống phun bom, súng cối 60 li và 120 li,… Các nhà máy quốc phòng này còn kết hợp sản xuất được nhiều sản phẩm dân sinh phục vụ bộ đội, dân công hỏa tuyến và nhân dân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ở mỗi miền với nội dung và hình thức thích hợp.

Ở miền Bắc, để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc, Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra chủ trương: “Trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”. Theo tinh thần đó, miền Bắc đã xây dựng, phát triển chế độ xã hội mới, nền kinh tế, văn hóa mới, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; đồng thời, kết hợp chặt chẽ với chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn nơi miền Nam.Nhiều nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc lúc đó đã xây dựng  dây chuyền sản xuất lưỡng dụng,vừa sản xuất hàng quốc phòng, vừa sản xuất hàng tiêu dùng dân sinh.

Ở miền Nam, Đảng chỉ đạo quân và dân kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố mở rộng hậu phương, xây dựng các công binh xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí và cả các mặt hàng thiết yếu cho bộ đội và nhân dân. Đây là điều kiện cơ bản, bảo đảm cho Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công nghệ lưỡng dụng đã được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước.

Nghị quyết Đại hội XI, XII, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng “Xây dựng, phát triển CNQP, công nghiệp an ninh (CNAN) hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”; đồng thời, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 nhấn mạnh “Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù”, “Thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại”, “Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ CNQP, CNAN. Cơ cấu lại các cơ sở CNQP, hình thành các cơ sở CNAN bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại theo hướng lưỡng dụng, hiện đại”.

Đặc biệt, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 27-6-2024,  có hiệu lực thi hành  từ ngày 1-7-2025 đã có những quy định cụ thể và chính sách phủ hợp để phát triển công nghiệp lưỡng dụng.

Theo quy định tại Điều 28 của Luật này thì Nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp dân sinh để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ sở công nghiệp dân sinh có công nghệ tiên tiến, hiện đại được chuyển giao công nghệ và tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; ưu tiên công nghệ có khả năng tạo ra các sản phẩm mới và phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Luận điệu sai trái của các thế lực thù địch

Các thế lực thù địch, phản động cố tình bóp méo, xuyên tạc, có cái nhìn phiến diện, sai lệch về CNQP và công nghiệp lưỡng dụng. Họ cho rằng trong văn kiện đại hội Đảng các kỳ đã đánh giá: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn” thì sao phải tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân; làm như vậy là cản trở sự phát triển của các thành phần kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường, làm phân tán, lãng phí nguồn lực, thời gian của xã hội; hãy để cho nhân dân tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế. Chúng còn xuyên tạc phản khoa học rằng: nền quốc phòng toàn dân chỉ phù hợp với giai đoạn chiến tranh giải phóng trước đây, nó không có giá trị nhiều trong chiến tranh hiện đại.Chúng cho rằng dân quân tự vệ và nhân dân không thể đối phó được với vũ khí, trang bị hiện đại của kẻ thù. Do đó, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung nguồn lực để xây dựng quân đội chuyên nghiệp, hiện đại như các nước phát triển; điều đó cũng phù hợp với chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” như Đảng và Nhà nước đã xác định(!). Một số kẻ còn phủ nhận tính chất hòa bình, tự vệ trong đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng ta, cho rằng: đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam là “đe dọa hòa bình của các nước trong khu vực”(!). Thậm chí, chúng còn bịa đặt rằng: nền quốc phòng ở nước ta chỉ nhằm bảo vệ Đảng và chế độ, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không phải “của dân, do dân và vì dân”, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc(!). Không chỉ chống phá về mặt lý luận, chúng còn lợi dụng các vấn đề “nóng” hoặc phát sinh trong thực tiễn để chống phá. Điển hình là, khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch lại tuyên truyền sai lệch rằng: để bảo vệ các vùng biển, đảo xa bờ thì nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân không còn hiệu quả; chỉ có các lực lượng hải quân, không quân được trang bị vũ khí hiện đại mới có khả năng tác chiến và hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo (!). Gần đây chúng còn kích động các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mặc dù đủ điều kiện thành lập lực lượng tự vệ, nhưng không thực hiện các nghĩa vụ về quốc phòng, an ninh theo luật đã quy định, như: không tổ chức thành lập và huấn luyện lực lượng tự vệ, không lập quỹ quốc phòng - an ninh và đóng góp vào quỹ quốc phòng - an ninh. Đáng chú ý, những luận điệu xuyên tạc, hành động sai trái đó được các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước và bọn phản động ở nước ngoài thổi phồng, kích động, chống phá bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Cùng với tận dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, như: youtube, facebook, tiktok, blog, fanpage,... để tuyên truyền, kích động; chúng còn giở chiêu trò kiến nghị, góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, đòi sửa đổi Hiến pháp và một số văn bản pháp luật(!). Mục đích của các hành động tuyên truyền xuyên tạc đó nhằm làm sai lệch nhận thức, gây hoang mang, dao động, làm mất niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, kích động các hành động chống phá. Từ việc chống phá chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, dẫn đến làm suy yếu sức mạnh quốc phòng, khả năng phòng thủ của đất nước, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Cụ thể,các thế lực thù địch, phản động cho rằng “Quân đội tham gia phát triển sản xuất chỉ phù hợp với thời chiến, khi điều kiện khó khăn. Hiện nay kinh tế đất nước đã phát triển, Quân đội không nên tham gia làm kinh tế để tập trung bảo vệ Tổ quốc”; “Quân đội không cần thiết phải lao động sản xuất vì đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm”… Chúng cho rằng các nhà máy sản xuất hàng quốc phòng của Quân đội là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, do “lợi ích nhóm chi phối”. Đặc biệt nguy hiểm hơn, chúng cố tình đi sâu, đục khoét vào một số hạn chế, vi phạm hoặc những tồn tại, sai phạm ở số ít doanh nghiệp Quân đội với nội dung Quân đội tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Từ đó, chúng “đề xuất”: “Quân đội chỉ nên tập trung vào huấn luyện”; “Quân đội không nên tổ chức lao động sản xuất”; “Không nên kết hợp kinh tế với quốc phòng”...

Ngay sau khi Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được Quốc hội thông qua, một làn sóng tung tin, xuyên tạc có chủ đích đã rộ lên trên các diễn đàn và trang mạng xã hội, đặc biệt là từ các trang có xu hướng chống Cộng như RFA, VOA, Việt Tân... Các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để bóp méo bản chất của Luật, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình thực thi.

Một trong những luận điệu phổ biến là cáo buộc rằng “Luật này ưu ái doanh nghiệp “lưỡng dụng” nhưng trên thế giới, chẳng nước nào chạy theo công nghệ này; “Luật này thiếu minh bạch, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí, và không mang lại hiệu quả thực tế”. Không dừng lại ở đó, chúng còn tung tin rằng “Luật này gây gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác”.

Giải pháp trúng

Thực tế phát triển của CNQP và công nghiệp lưỡng dụng thời gian qua trên thế giới và Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những suy luận xuyên tạc của các thế lực thù địch. Xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là phát triển công nghệ lưỡng dụng trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp. Bởi lẽ CNQP  là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Các sản phẩm được sản xuất vừa phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân dụng là xu hướng tích hợp công nghệ của nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Công nghệ lưỡng dụng được hiện thực hóa thành hiệu quả của các sản phẩm kinh tế do công nghiệp quốc phòng chế tạo, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã và đang phát huy hiệu quả tính lưỡng dụng trong sản xuất quốc phòng và kinh tế,chủ động tham gia sản xuất các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tàu thuyền, sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh có chất lượng tốt, được thị trường tin dùng, như: vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng và sửa chữa tàu biển, may mặc, điện tử;... Trong đó, nhiều sản phẩm của các Nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Tiêu biểu như Nhà máy Z121, không chỉ làm tốt vai trò là một trong những đơn vị đặt nền móng và xây dựng nền công nghiệp vật liệu nổ ở nước ta hiện nay, Z121 không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu, sản xuất pháo hoa phục vụ lễ hội, lễ, tết, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân; vươn mình xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Đông... Hay tại Nhà máy Z131, nơi một dây chuyền mạ tự động niken cromcó thể sản xuất cả chi tiết của đạn chống tăng (sản phẩm quốc phòng) và chi tiết của đường ống dẫn khí và chất lỏng phục vụ mục đích dân sự với công suất lên tới hàng ngàn sản phẩm mỗi ngày. Nhà máy Z173, chuyên đóng mới, sửa chữa phần vỏ tàu quân sự và tàu kinh tếphục vụ trong nước và cả xuất khẩu. Một ví dụ tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó trong đại dịch Covid-19 là Nhà máy Z176, đã tận dụng dây chuyền sản xuất quốc phòng để sản xuất các sản phẩm phòng dịch (khẩu trang, tấm chắn phòng dịch, bộ quần áo phòng dịch, bộ quần áo làm mát…) phục vụ công tác chống dịch trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe; cùng với đó hiện nay, hàng loạt sản phẩm của Nhà máy Z176 đã có mặt và khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường tại 31 quốc gia, kể cả các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ... Hiệu quả từthực hiện chủ trương phát triển lưỡng dụng đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, biển, đảo.

Theo Trung tướng, TS. Hồ Quang Tuấn - Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng: “Phát triển CNQP theo hướng “lưỡng dụng”, thời gian tới, cần đẩy mạnh lưỡng dụng hóa trong nghiên cứu phát triển, đầu tư công nghệ,... thông qua các phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ. Tăng cường chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu các vũ khí mới; hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế”.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã từng khẳng định: “Tại sao CNQP lại là mũi nhọn, bởi: “Tất cả các nước trên thế giới và kể cả những công nghệ gì hiện đại nhất đều dành cho chiến tranh, không áp dụng vào nền kinh tế nào trước, kể cả sản xuất nguyên tử, đều lấy cuộc chiến tranh ra thử nghiệm…”.

Quân đội tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước là biểu hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh việc Quân đội tham gia phát triển, xây dựng kinh tế đất nước là phù hợp với quy luật và điều kiện Việt Nam.

Giải pháp quan trọng để phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng là phải đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, vận dụng hiệu quả thành tựu của nền kinh tế quốc dân phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật. Để khoa học - công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, cần lồng ghép nhiệm vụ đặc thù này vào trong các đề án chiến lược về xây dựng và phát triển của các bộ, ngành, địa phương; trong đó, triển khai thực hiện một số dự án liên doanh, liên kết với các cơ sở dân sinh hoặc đầu tư hỗ trợ các cơ sở dân sinh nhằm mục đích phục vụ công nghiệp quốc phòng. Nhu cầu đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng rất lớn, vì vậy bên cạnh phát huy hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ này, kể cả vốn đầu tư của nước ngoài và của các thành phần kinh tế trong nước.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh lưỡng dụng hóa trong nghiên cứu phát triển, đầu tư công nghệ,... thông qua các phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu. Tăng cường chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế. Tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên môn hóa sản xuất, trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng...

Các cơ sở sản xuất CNQP nòng cốt  cần phát huy lợi thế và vai trò mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng để có thể dẫn hướng công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù, sở trường. Công nghệ lưỡng dụng phải được hiện thực hóa thành hiệu quả của các sản phẩm kinh tế do CNQP chế tạo, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu, bao gồm cả sản phẩm kinh tế dân sinh và sản phẩm quốc phòng đúng quy định của pháp luật. Chuẩn bị điều kiện, phương án, xúc tiến triển khai một số đề án sản xuất theo phương thức hợp tác, liên doanh với đối tác nước ngoài.

Nhu cầu đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng rất lớn, vì vậy bên cạnh phát huy hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ này, kể cả vốn đầu tư của nước ngoài và của các thành phần kinh tế trong nước./.

Thượng tá, thạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hoá chất 21, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng