Công bố Chiến lược phòng chống tội phạm giai đoạn 2011-2015 (28/04/2012)

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, Việt Nam đặc biệt coi trọng xây dựng và hoàn thiện thể chế với nhiều văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình và kế hoạch dài hạn như Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; Chiến lược quốc gia phòng chống ma tuý; Chương trình quốc gia phòng chống mua bán người; Luật Phòng, chống ma tuý và Luật Phòng, chống mua bán người…

Trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 đạo luật quan trọng liên quan, góp phần tạo hành lang pháp lý cần thiết, đáp ứng công tác phòng chống tội phạm ở Việt Nam.

Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để triển khai các nội dung trên với những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm. Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.

Việt Nam là một trong 8 quốc gia trên thế giới thí điểm xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác chung giữa Chính phủ với các tổ chức của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2012-2016.

Chiến lược phòng, chống ma tuý, tội phạm và mua bán người giai đoạn 2011-2015 đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm ít nhất từ 30-40% số người nghiện ma tuý so với hiện nay, phấn đấu 70% số xã và 90% cơ quan, tổ chức không có tệ nạn ma tuý. Đặc biệt, 100% số người nghiện ma tuý được phát hiện và quản lý, 90% số người nghiện được điều trị, giảm từ 10-15% tỷ lệ tái nghiện so với hiện nay.

Một mục tiêu khác là nâng tỷ lệ bắt giữ ma tuý tại khu vực biên giới lên 30% so với tổng số ma tuý bị bắt giữ, xoá bỏ cơ bản các tổ chức mua bán vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma tuý.

Chương trình hành động phòng, chống mua bán người cũng đề ra những mục tiêu cụ thể như tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về công tác phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, chương trình xác định rõ 5 mục tiêu gắn liền với 5 đề án của Chương trình với các chỉ tiêu thực hiện. Đó là, tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; nâng cao hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân khi trở về; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

A Hoàng