Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có quyết định bổ nhiệm PGS, TS. Trần Hồng Thái làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn. Ông Trần Hồng Thái sinh năm 1974, là Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học trái đất và Toán học tại Đại học Tổng hợp Heidelberg (Liên bang Đức), được phong Phó giáo sư khi còn khá trẻ, từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong ngành Khí tượng thủy văn.

Nhìn vào “lý lịch trích ngang” như vậy thì chúng ta ai cũng thấy mừng, vì Tổng cục Khí tượng thủy văn có một nhà quản lý trẻ, có năng lực phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có “xì xèo” trong dư luận, vì ông Trần Hồng Thái là em trai của đương kim Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trả lời báo chí về trường hợp này. Phần đông dư luận cũng đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ, rằng không có vấn đề gì tiêu cực ở đây cả, ông Trần Hồng Thái được bổ nhiệm hoàn toàn đúng quy trình, tiêu chuẩn.

Từ chuyện của ông Trần Hồng Thái, có thể thấy chuyện đề bạt, bổ nhiệm “con ông cháu cha” luôn là đề tài nhạy cảm, được sự quan tâm của dư luận. Cách đây mấy năm, có một nữ chính khách phát biểu: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc” đã khiến dư luận dậy sóng. Ngẫm kỹ thì phát biểu của nữ chính khách nọ hoàn toàn đúng.

Ở nước ta, người lãnh đạo là công bộc của nhân dân. Như Bác Hồ nói, họ “Vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người lãnh đạo cũng là người cách mạng, việc con cháu tiếp tục phụng sự lý tưởng cao đẹp của cha anh thì rõ là hồng phúc của dân tộc! Nhưng, sở dĩ câu nói của nữ chính khách nọ nhận nhiều phản ứng của dư luận, vì nó đưa ra vào thời điểm nhiều trường hợp “con ông cháu cha”, nạn “hậu duệ” trong công tác cán bộ đang khiến người dân phiền lòng.

Những cán bộ được bổ nhiệm cấp sở, cấp vụ khi tuổi đời mới chỉ 30, dù “đúng quy trình” nhưng bản thân cán bộ đó chưa qua rèn luyện, tu dưỡng khiến người dân bất bình. Cá biệt có những “cậu ấm” mới vào Đảng được vài ba năm đã được quy hoạch, đề cử vào những cấp ủy quan trọng, tạo tiền đề để nắm giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị... nên câu nói đúng của vị chính khách kia vẫn bị hoài nghi vì nó không đúng với thực tiễn nước ta trong thời gian qua.

Từ chuyện của ông Trần Hồng Thái, chúng ta thấy rõ, khi việc đề bạt, bổ nhiệm được tiến hành công khai, minh bạch, thì vấn đề “con ông cháu cha”, “hậu duệ” không còn là chuyện nhạy cảm nữa, không cần phải coi như chuyện “mật”, hay “nội bộ” nữa.

Người ta nói rằng, nếu nói ông Trần Hồng Thái là “con ông cháu cha” thì hoàn toàn theo nghĩa tích cực của từ này. Vì cụ thân sinh ra ông Trần Hồng Hà, Trần Hồng Thái là một nhà khoa học có uy tín trong ngành Mỏ - Địa chất. Rõ là “hổ phụ sinh hổ tử”.

“Con ông cháu cha” theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm tàn dư của một xã hội đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến. “Con vua rồi lại làm vua” đương nhiên là một tư duy lạc hậu, bất công.

Các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam rất nghiêm khắc với con cháu. Chuyện kể rằng, con trai của đồng chí Trường Chinh khi đi du học bên Liên Xô có gửi về gia đình một tấm ảnh đang mặc quần ống loe (một biểu hiện của ăn chơi, đua đòi hồi đó - PV). Ngay lập tức, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu cơ quan chức năng triệu hồi con trai mình về nước để rèn luyện, thử thách tiếp.  

Hiện nay, dư luận cũng rất khen ngợi cuộc sống giản dị, bình đẳng, gần gũi nhân dân của vợ con Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Điều mà nhân dân mong đợi, hy vọng là con cháu các cán bộ cấp cao hãy học tập chính tấm gương gia đình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Và trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được thể chế bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, phù hợp thực tiễn cho công tác cán bộ. Điều đó sẽ bảo đảm chuyện “con ông cháu cha” phát huy tính tích cực trong công tác cán bộ.

Con cháu cán bộ cấp cao nếu là những người có tài, có đức thì đích thị là vốn quý của dân tộc. Họ cần được đối xử công bằng như những người có tài, có đức khác. Mà để có công bằng trong công tác cán bộ, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện công khai, dân chủ!

Nguyễn Hồng