“Con mắt, cái tai” của tàu ngầm

Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong rèn luyện thể lực.  

Anh em thủy thủ gọi Thiếu tá CN Nguyễn Xuân Phong - nhân viên sonar thông tin của tàu ngầm, Lữ đoàn Hải quân 196 như vậy. Qua trò chuyện, chúng tôi mới biết nhiệm vụ của một nhân viên sonar thông tin là nghe và dẫn đường cho tàu mỗi khi thực thi nhiệm vụ.

Làm việc dưới tàu ngầm, môi trường sống và làm việc của thủy thủ có sự khác biệt rất lớn với không gian trên đất liền. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra trong căn phòng kín, chật chội, không có ánh sáng tự nhiên, đi lại phải lom khom và làm gì cũng phải lựa về tư thế. Khi tàu ngầm hoạt động dưới độ sâu, ngoài những áp lực do sóng và áp suất, thủy thủ còn phải sống chung với những thiết bị nghe, nhìn, hệ thống máy móc, ắc quy và tiếng ồn. Nhiều thủy thủ dù qua những vòng tuyển chọn khắt khe về sức khỏe song những ngày đầu vẫn không thoát khỏi cảm giác sợ, ù tai, hoa mắt, căng thẳng. Ngoài những ca trực theo thời gian quy định, mỗi người phải thích nghi với việc được nghỉ lúc nào thì phải ngủ lúc ấy, không theo giờ giấc, không theo quy luật, không kể ngày đêm. Để trở thành thủy thủ của tàu ngầm, bên cạnh yếu tố sức khỏe, khả năng chuyên môn, phải có thần kinh thép.

Vậy mà Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong đã có 20 năm liên tục làm nhân viên sonar dưới con tàu ngầm ấy. Thượng úy Lê Văn Anh - Phó thuyền trưởng cho biết, đối với tàu ngầm, nhân viên sonar thông tin có nhiệm vụ dẫn đường chỉ lối và là “con mắt, cái tai” của tàu giúp cho tàu định hướng được để đi lại trên biển và giúp tàu chỉ thị được mục tiêu, nắm bắt các thông số, sẵn sàng chiến đấu khi có mệnh lệnh. Đã có nhiều chỉ huy về nhận nhiệm vụ rồi chuyển công tác thì anh Phong vẫn gắn bó với tàu.  

Để hoàn thành nhiệm vụ của nhân viên sonar thông tin trên tàu ngầm, lại là con tàu đã qua hai thập niên sử dụng, thủy thủ phải tập trung thật cao độ. Khi vận hành, phải quan sát được mọi mục tiêu, từ tàu địch, mục tiêu hàng hải, tàu hàng, những chướng ngại vật địa văn dưới lòng biển. Đặc biệt, tàu thay đổi hướng, nếu nhân viên sonar không tập trung thì rất có nguy cơ để tàu lạc đường, gặp nguy hiểm hoặc có thể để sót mục tiêu. Anh Phong cho biết: Để làm tốt công việc, bên cạnh khả năng quan sát thì phải xây dựng được một ngân hàng âm thanh. Trong muôn vàn tiếng động vang vọng trong lòng biển, phải phân biệt được mỗi loại âm thanh đó, đâu là tiếng động do sóng biển dội vào chân núi, đâu là tiếng động được tạo nên bởi tiếng chân vịt của một con tàu, đâu là âm thanh của đàn cá. Cụ thể hơn, cũng là tiếng của những con tàu trên mặt nước, nhưng phải phân biệt được đâu là tiếng của tàu vận tải, tàu chiến, đâu là tàu lớn, tàu nhỏ... và càng nhận diện được nhiều loại âm thanh, nhân viên sonar thông tin càng có cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong, con tàu đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Anh không chỉ thành thạo công việc của nhân viên sonar thông tin mà còn có thể làm được công việc ở nhiều vị trí khác. Những kinh nghiệm của 20 năm trong nghề, anh đã trực tiếp truyền cho nhiều đồng đội và tham gia viết “Giáo trình huấn luyện tàu ngầm”; cuốn sách trở thành cẩm nang của nhiều thế hệ thủy thủ.

Để có được hơn 20 năm làm việc tốt dưới tàu ngầm, anh ý thức rất rõ việc rèn luyện thể lực vì việc rèn luyện thể lực với các thủy thủ rất quan trọng, với thủy thủ tàu ngầm thì lại càng quan trọng hơn. Ngoài huấn luyện theo lịch chung của đơn vị, anh tự tập các môn thể thao như chạy, nhảy, bơi.

20 năm qua, Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong làm “con mắt, cái tai”, đã tìm ra ánh sáng cho con tàu trong lòng biển. Nhưng với anh, có một khoảng tối trong cuộc đời, đến giờ vẫn còn là niềm day dứt. Đó là năm 1997, khi cháu Tú Anh, người con gái đầu ra đời. Bố bận đi biển, Tú Anh ở nhà cùng mẹ, trong một trận ốm cháu bị sốt cao, do không được cấp cứu kịp thời, cháu bị co giật và di chứng ấy đã hằn lên quãng đời suốt hơn 20 năm nay của cô bé. Đến giờ, Tú Anh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp nhưng mọi hoạt động đều phải dựa vào bờ vai  người khác. Bố vắng nhà thường xuyên nên mẹ trở thành bàn tay và đôi chân của cô.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong luôn ghi nhận công lao của vợ anh, cô giáo Võ Thị Thu Hoài. Anh bảo mọi thành tích lớn, nhỏ của anh đều có phần lớn công chị trong đó, người đã đảm đang lo toan việc nhà để anh yên tâm mà làm “con mắt, cái tai” cho những chuyến tàu lặng lẽ trong lòng biển.

Hạnh Phương