Cơn dông mới ở Đông Bắc Á
Hôm 7-3, những bộ phận đầu tiên của hệ thống THAAD đã được vận chuyển đến căn cứ không quân Osan, gần TP. Pyeongtaek, cách Thủ đô Seoul chỉ khoảng 70km. Một tổ hợp THAAD bao gồm 6 bệ phóng được gắn trên xe tải, 48 tên lửa đánh chặn, một trung tâm kiểm soát và liên lạc di động cùng 2 radar AN/TPY-2, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng một hoặc hai tháng nữa.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung với tỷ lệ thành công 100%. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tầm bắn của các tên lửa thuộc hệ thống THAAD lên tới 300km, có thể phòng thủ khu vực có bán kính 200km (các tên lửa Patriot-2 và Patriot-3 chỉ có tầm bắn 15km và 30km). Do được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo bay ở tầng cao, hệ thống radar AN/TPY-2 của THAAD có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km, đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc. Theo các chuyên gia, radar của THAAD có thể giám sát được các tên lửa Trung Quốc ngay từ giai đoạn rời bệ phóng để cung cấp các dữ liệu tình báo giúp cho việc báo động và đánh chặn giai đoạn sau, qua đó có thể vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo vượt đại châu của Trung Quốc.
Trước đây, Hàn Quốc chưa cho phép Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa mang tính sống còn đối với Hàn Quốc; Bình Nhưỡng dường như đang gần hơn tới mục tiêu phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để có thể phóng tới Seoul. Việc Triều Tiên hôm 5-3 phóng liên tiếp 4 quả tên lửa đạn đạo đã trở thành chất xúc tác để Mỹ và Hàn Quốc quyết định đẩy nhanh tốc độ triển khai hệ thống THAAD.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một sự leo thang quân sự mang tính khiêu khích và không cần thiết, đặt ra mối đe dọa tiềm ẩn với Trung Quốc. Bất chấp việc Bộ Ngoại giao Mỹ trấn an rằng việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc chỉ là biện pháp tự vệ trước đe dọa của Triều Tiên, chứ không đe dọa gì đến Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho rằng hành động này là một sai lầm, có thể khiến Hàn Quốc mất an ninh hơn, chứ không chỉ đe dọa đến an ninh Trung Quốc. Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự… nhằm trả đũa Seoul. Nhiều nghệ sĩ hàng đầu của Hàn Quốc bị cấm xuất hiện trên các chương trình truyền hình Trung Quốc. Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã chỉ thị cho các công ty du lịch cắt giảm tour đến Hàn Quốc, khiến nước này mất đi hàng vạn du khách tiềm năng. Bắc Kinh cũng buộc 23 cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Lotte đóng cửa do tập đoàn này ký thỏa thuận đổi đất để Chính phủ Hàn Quốc bố trí THAAD; nhiều người tiêu dùng Trung Quốc tham gia phong trào tẩy chay hàng Lotte. Chính quyền Bắc Kinh còn yêu cầu tạm ngừng một số tuyến bay từ Trung Quốc tới Hàn Quốc. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc thì có bài viết khẳng định: Bắc Kinh không có mấy sự lựa chọn ngoài việc đáp trả bằng cách tăng cường kho vũ khí hạt nhân của chính họ…
Trong bối cảnh bất ổn chính trị vẫn chưa hết sau khi nữ Tổng thống Park Geun-hye chính thức bị phế truất, các biện pháp trả đũa liên tiếp và mạnh tay của Trung Quốc đặt chính quyền Seoul vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong quý 4-2016, Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt Nhật Bản đứng vị trí thứ hai sau Mỹ về giá trị thương mại với Trung Quốc. Do vậy, nếu Bắc Kinh dùng con bài kinh tế để trả đũa, Seoul sẽ “lĩnh đủ”, nhất là khi chính quyền ông Trump có ý định đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn và “đưa việc làm bị Hàn Quốc đánh cắp trở lại Mỹ”. Về an ninh, không có sự ủng hộ của của Trung Quốc bằng cách kiềm chế Triều Tiên, Seoul rất khó đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với những tranh chấp lịch sử và lãnh thổ; quan hệ Nhật-Hàn rơi vào tình trạng lạnh nhạt do vấn đề phụ nữ mua vui; Triều Tiên cũng coi THAAD là mối đe dọa “đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân”. Những diễn biến căng thẳng mới tại bán đảo Triều Tiên với chồng chéo các mâu thuẫn giữa Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản đang biến khu vực này trở thành điểm nóng, tiềm ẩn một cuộc chiến mới.
Đăng Song