Cơn địa chấn ở Đông Bắc Á

Một lần nữa, Triều Tiên lại gây nên cơn địa chấn ở Đông Bắc Á qua việc tuyên bố “thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên” tại khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri nằm ở phía đông bắc nước này hôm 6-1. Tiếp đó, ngày 8-1, Đài truyền hình TƯ Triều Tiên lại công bố một cuốn băng video không nêu rõ ngày tháng, trong đó ghi hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) mới.
Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có phản ứng. Hội đồng Bảo an LHQ trong phiên họp khẩn cấp cam kết nhanh chóng ấn định các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên. Hàn Quốc đặt quân đội trong tình trạng báo động, tuyên bố sẽ thảo luận với phía Hoa Kỳ về khả năng triển khai máy bay B52, máy bay F22 và máy bay B2 của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, đồng thời tái khởi động chiến dịch tuyên truyền qua loa phóng thanh giữa biên giới hai nước .
Phía Triều Tiên cũng ngay lập tức đáp trả. Ngày 10-1, nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định: “Triều Tiên thử bom H là nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân từ Mỹ. Đây là chủ quyền, là hành động công bằng mà không ai có thể chỉ trích”. Trước đó, hôm 8-1, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên-Kim Ki Nam bình luận qua Đài truyền hình quốc gia: “Những thế lực thù địch của Triều Tiên đang tỏ ra ganh tỵ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch”. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Triều Tiên cho biết chiến dịch tuyên truyền qua loa phóng thanh của Hàn Quốc, cũng như việc Hàn Quốc đang đàm phàn với Hoa Kỳ về khả năng triển khai vũ khí chiến lược ở miền Nam sẽ đặt bán đảo Triều Tiên vào “bờ vực chiến tranh”…
Tuy vậy, thông tin việc Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch hiện vẫn chưa được chính thức xác nhận. Một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên khó có thể sở hữu được bom nhiệt hạch, nhiều khả năng loại “bom H” mà Triều Tiên đề cập trong tuyên bố hôm 6-1 chỉ là công nghệ đẩy nhanh quá trình phân rã một thiết bị hạt nhân bằng cách sử dụng nhiên liệu tan chảy chứ chưa hẳn là một phản ứng nhiệt hạch đầy đủ.
Tuy nhiên, vụ thử chưa được kiểm chứng này cũng gây ra “cú sốc” địa chính trị trong khu vực. Theo nhiều nhà phân tích, động thái này của Bình Nhưỡng chủ yếu là buộc Hoa Kỳ để mắt tới, đạt được những gì gần giống như Iran và Cuba đã đạt được trong năm 2015. Mục tiêu chính là thuyết phục Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán nhằm chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, qua đó thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Từ trước tới nay, thay vì ủng hộ xúc tiến một hiệp ước hòa bình, Hoa Kỳ luôn yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân trước khi có bất cứ cuộc thương lượng nào.
Nguyên Phong