Cơm Pồi - đặc sản của người Chứt ở Quảng Bình
“Trời mưa dác chẳn queng hồi/ Eng khôông lế cấy, ai tâm Pồi cho eng ăn”.
Nghĩa là: “Trời mưa nước chảy quanh hồi/ Anh không lấy vợ, ai giã Pồi cho anh ăn”.
Cơm Pồi được chế biến rất công phu, nguyên liệu làm cơm Pồi gồm: Ngô hạt (sậu), lúa nếp nương, sắn củ và có thêm đỗ, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu là việc tốn nhiều công sức và thời gian.Nướng cơm Pồi trong ống tre.
Hạt ngô, được ngâm trong nước nóng khoảng 3 giờ, vớt ra để ráo nước, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra. Lúa nếp nương xay bỏ trấu, vò nước nóng, để ráo, giã gạo mịn thành bột. Sắn tươi rửa sạch, bóc vỏ, mài sắn, ép sắn, vắt kiệt nước.
Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, trộn đều nguyên liệu với một ít nước lã, muối nhồi vào ống tre, lấy lá chuối rừng nút chặt phần miệng để giữ nhiệt cho cơm mau chín. Để cho ống khỏi nứt, tước bỏ phần vỏ cứng bên ngoài của ống, đặt trên lửa than khoảng 1 giờ, mùi thơm toả ra là cơm chín.
Cơm Pồi đựng trong ống tre có hương vị đặc biệt. Nó là sự kết hợp của mùi thơm lớp lụa tre rừng, vị ngọt bùi của ngô, sắn, nếp tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn vùng cao. Khác với nhiều món cơm khác, cơm Pồi dẻo và giữ được lâu.
Ngoài cách nấu trên, người Chứt còn nấu cơm Pồi bằng cách cho nguyên liệu vào “nghè hôông” (một dạng chõ) cùng với nước gọi là “nồi nân”, lấy mo chuối quấn quanh miệng, bắc lên bếp đồ chín thành “cơm Pồi” hay nấu như kiểu đồ xôi của người Việt. Tuy các cách nấu này nhanh hơn nhưng cơm Pồi lại không ngon, không mang được hương vị độc đáo như nấu trong ống tre.
Món cơm Pồi đã nuôi lớn những con người nơi đây, vì thế dù đi đâu, người Chứt vẫn mang theo những câu ca dao nói về cơm Pồi bên mình:
“Mặt trời tá các tôộng ngồi/ Ti nô cúng nhớ cơm Pồi, thâu lang”. Nghĩa là: “Mặt trời đã gác động ngồi/ Đi đâu cũng nhớ cơm Pồi, rau khoai”.
Thanh Nhàn