Cội nguồn sức mạnh của quân đội ta
Đồng chí Võ Nguyên Giáp (thứ nhất, bên trái) đọc Lời tuyên thệ trong Lễ thành lập Đội Việt Nam TTGPQ.
80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cùng toàn thể dân tộc Việt Nam lập nên những kỳ tích vĩ đại của thế kỷ XX và hơn hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. Vậy sức mạnh của Quân đội nhân dân đến từ đâu?
Sức mạnh vô địch đến từ nhân dân
Cách đây tròn 80 năm, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (TTGPQ) đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay.
QĐND Việt Nam được sinh ra từ nhân dân luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người còn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”. Chính vì vậy, trong 10 Lời thề danh dự của QĐNDViệt Nam có lời thề thứ chín mà các chiến sĩ Ðội Việt Nam TTGPQ tuyên đọc trong buổi ra mắt là: “Khi tiếp xúc với dân làm đúng ba điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân, và ba điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”. Những lời thề, lời răn ấy luôn được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của QĐND Việt Nam tuân thủ, không chỉ xem đây như kỷ luật sắt của một đội quân mà hơn thế, đó là “mệnh lệnh” từ khối óc và con tim của mỗi người. Chỉ có dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt thì Quân đội mới giữ vững và phát huy được bản chất, truyền thống tốt đẹp của mình, nâng cao được sức mạnh chiến đấu tổng hợp của Quân đội và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xa rời nhân dân, không gắn bó mật thiết với nhân dân, không liên hệ chặt chẽ với nhân dân, không dựa vào dân thì Quân đội không thể có sức mạnh chiến đấu cao, không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Được sinh ra, nuôi dưỡng, đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân, từ lực lượng nhỏ bé ban đầu, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chăm lo, giáo dục, rèn luyện của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam TTGPQ đã không ngừng phát triển. Đội quân từ nhân dân mà ra đã lĩnh hội sứ mệnh lịch sử dân tộc giao phó “vì nhân dân mà chiến đấu”. Thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả: Độc lập dân tộc và CNXH, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ ta hăng hái tham gia lao động sản xuất để vừa tự túc một phần vật chất, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân, vừa tham gia xây dựng đất nước, phục vụ “quốc kế dân sinh”.
Nhân dân đã tạo ra nguồn lực, sức mạnh lớn cho quân đội. Từ những chiến công đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945;từ khí thế cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946, đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, QĐNDViệt Nam cùng các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một quân đội cách mạng chính quy, lập nên kỳ tích, huyền thoại có thật ở thế kỷ XX và hai thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Nghệ thuật quân sự độc đáo
Ngay sau khi ra đời, Đội Việt Nam TTGPQ đã nhanh chóng củng cố tổ chức, xây dựng quyết tâm, luyện tập chiến đấu và dựa vào nhân dân để thực hành đánh trận đầu tiên. Mục tiêu được chọn là 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 25-12, toàn Đội chia thành 2 tiểu đội, cải trang làm lính dõng đi tuần dùng mưu tập kích chiếm trọn đồn Phai Khắt. Tiếp đó, ngày 26-12, Đội đóng giả toán lính tuần tra, bất ngờ tập kích diệt gọn đồn Nà Ngần của địch. Kết quả trận đầu, ta đã hạ 2 đồn địch, diệt 5 tên, bắt sống 34 tên khác, thu 34 súng cùng đạn dược và một số đồ quân dụng.
Chiến thắng của lần xuất trận đầu tiên (Phai Khắt, Nà Ngần) tuy quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa của thắng lợi đó lại rất to lớn cả về chính trị và quân sự, mở đầu truyền thống đánh thắng ngay từ trận đầu của QĐND Việt Nam; đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong chiến khu Cao - Bắc - Lạng và cả nước.
Ngoài việc vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam, đó là nghệ thuật nghi binh, lừa địch.
Một trong những đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh là chiến dịch Tây Nguyên đầu năm 1975.
14 giờ ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh lừa địch mở màn Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: Thị xã Plei-ku, sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum. Tiếp sau đó, bộ binh thực hành tiến công địch trên cả hai hướng Kon Tum và Plei-ku. Trên phía tây Đường 19, hỏa lực ta, đặc biệt là pháo 85 bắn thẳng nhằm vào từng lô cốt, nhà ở của địch ở Đồn Tầm nổ súng, sau đó pháo, cối, ĐKZ đánh phá các mục tiêu còn lại… Kết quả là sáng 3-3-1975, địch vội vã điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về tây thị xã Plei-ku. Thế là toàn bộ chủ lực Quân đoàn 2 địch đã bị giữ chắc ở Bắc Tây Nguyên. Điều đáng nói thêm là, mãi đến ngày 8 và 9-3, khi ta đánh vào quận lỵ Thuần Mẫn và quận lỵ Đức Lập, khiến Buôn Ma Thuột bị “lộ sáng” địch vẫn không đoán biết được ý đồ tác chiến. Mãi đến 4 giờ sáng ngày 10-3, khi xe tăng của ta tiến vào Buôn Ma Thuột thì đã quá muộn.
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi
Đầu năm 1944, trước yêu cầu thành lập đội quân chủ lực quốc gia, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo". Thi hành đúng Chỉ thị của Bác Hồ, chi bộ Đảng của Đội Việt Nam TTGPQ được thành lập, lãnh đạo Đội thực hiện các nhiệm vụ một cách tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội có sự phát triển nhanh về lực lượng. Để giữ vững sự lãnh đạo, Đảng triển khai cơ chế lãnh đạo quân đội: Thành lập T.Ư Quân ủy (tháng 1-1946); thành lập các cấp ủy từ quân khu đến chi ủy; đặt chế độ hai thủ trưởng (quân sự, chính trị) để chỉ huy đơn vị từ cấp khu đến trung đội; lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội (tháng 10-1948).
Từ thực tiễn tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong kháng chiến, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa II) đã ban hành Nghị quyết 07 ngày 20-5-1952, về thực hiện chế độ tập thể Đảng ủy lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, thủ trưởng chính trị phân công thực hiện theo chức trách, nhằm thực hiện sự lãnh đạo tập thể, thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cơ chế trên tiếp tục được thực hiện; nhờ đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội luôn được giữ vững, tăng cường và phát huy được sức mạnh chiến đấu "càng đánh, càng mạnh, càng thắng lợi". Các đơn vị trong toàn quân đều nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm, thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được sức mạnh lãnh đạo của Đảng; đồng thời cũng phát huy cao độ trí tuệ, sự sáng tạo của thủ trưởng quân chính trong việc tổ chức thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần quyết định thắng lợi của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời trở thành truyền thống, kinh nghiệm quý báu của quân đội ta.
Từ năm 1975 đến nay, Đảng ta có ba lần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội hiện nay gồm: Quân ủy T.Ư và đảng ủy quân sự các cấp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng là Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, các đồng chí Ủy viên Quân ủy T.Ư do Bộ Chính trị chỉ định. Các cấp ủy Đảng từ cấp trực thuộc Quân ủy T.Ư đến cấp cơ sở do Đại hội Đảng cùng cấp bầu.
Quân ủy T.Ư thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với vấn đề lớn như chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng quân đội... Quân ủy T.Ư chỉ đạo Tổng cục Chính trị và thông qua Tổng cục Chính trị chỉ đạo các đảng bộ và hệ thống chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thực tế suốt 80 năm qua, nhờ không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo đối với Quân đội trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử. Đó cũng là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta.
Đỗ Phú Thọ