Có tạo giao dịch giả để trốn nghĩa vụ nợ?
“Thần tốc” giải quyết án!
Tại vụ án thứ hai: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn (ông Vũ Mạnh Đắc, ngụ 95A Thích Quảng Đức, Phường Xuân An, Thị xã Long Khánh) với bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường và bà Đinh Thị Thảm (ngụ 219/7 Thích Quảng Đức, Phường Xuân An, Thị Xã Long Khánh). Điều đáng nghi là, giữa ông Đắc và vợ chồng ông Cường, bà Thảm có quan hệ huyết thống (con cô câu ruột)!
Ngày 30/6/2014, ông Đắc khởi kiện bà Thảm, ông Cường ra Tòa án nhân dân Thị xã Long Khánh (Tòa án Long Khánh) để đòi nợ 1,3 tỷ đồng. Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Lê (là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) là đại diện theo ủy quyền cho bị đơn Thảm, Cường, nhưng, bà đã “tự nguyện ”: thay mặt nguyên đơn đi nộp tiền và ký giả chữ ký của ông Đắc vào biên lai thu tạm ứng án phí ngày 4/7/2014.
Ngày 7/7/2014, Tòa án Long Khánh đã ra Quyết định thụ lý vụ án số 123/2014/TLST-TCDS. Và ngày 10/7, tức chỉ sau ngày 3, Thẩm phán Phí Thị Hồng Năm đã rất nhanh lập biên bản hòa giải và đã hòa giải thành. Tòa án Long Khánh ban hành Quyết định số 78/2014/QĐST-TCDS công nhận thỏa thuận của các đương sự vào ngày 18/7/2014 với nội dung: “ông Cường và bà Thảm có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho ông Vũ Mạnh Đắc tổng số tiền nợ là 1,3 tỷ đồng”.
Cùng ngày 18/7, ông Đắc đã nộp đề nghị thi hành án tới Chi cục thi hành án dân sự Long Khánh. Yêu cầu kê biên đối với tài sản là căn nhà duy nhất của bị đơn để đảm bảo thi hành án.
**Có dấu hiệu tẩu tán tài sản **
Dư luận cho rằng, vụ án trên có dấu hiệu “giao dịch giả” nhằm trốn nghĩa vụ trả nợ cho mình, bà Trần Thị Kiều Hạnh (ngụ B40, Khu phố 1, phường Xuân Bình, Thị xã Long Khánh) đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng và Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai “Đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm” vụ án này. Bởi vì, bà Hạnh là người được thi hành án trong vụ án thứ 1 (nhưng chưa được thi hành án) mà người phải thi hành án cũng là bà Thảm và ông Cường.
Trong vụ án của bà Hạnh, cũng chính bà Lê là đại diện theo ủy quyền cho bị đơn (là bà Thảm, ông Cường) trong vụ kiện tranh chấp Hợp đồng vay tài sản mà Tòa án Long Khánh đã giải quyết.
Bà Hạnh cho biết: “Thực tế bà Thảm vay nợ của tôi 580 triệu đồng, tại những buổi hòa giải, thì bà Lê đã thay mặt cho bị đơn (bà Thảm và ông Cường không có mặt tại các buổi hòa giải) ép tôi “muốn được trả tiền thì phải bớt cho bà Thảm số lẻ là 80 triệu, nếu không thì khó đấy!”. Vậy nên, tôi đã miễn cưỡng đồng ý theo yêu cầu của bà Lê, ký vào biên bản hòa giải thành ngày 2/6/2014.
Ngày 11/6/2014, Tòa án Long Khánh đã ban hành Quyết định số 62/2014/QĐST-TCDS công nhận thỏa thuận giữa các đương sự với nội dung “ông Cường, bà Thảm phải trả cho bà Hạnh 500 triệu đồng và trả làm 02 lần: Lần 1: Trả 200 triệu đồng vào ngày 02/7/2014 ; Lần 2: Trả 300 triệu đồng vào ngày 10/8/2014”.
Tuy nhiên, trước đó vào ngày 10/6/2014, ông Cường bà Thảm đã “âm thầm” chuyển nhượng cho người anh con bác ruột là ông Vũ Đại Dương - con trai ông Đắc- căn nhà là tài sản duy nhất của mình. Biết được việc trên, ngày 11/6/2014 bà Hạnh đã tới UBND phường Xuân An để nộp đơn xin ngăn chặn việc mua bán nhà nói trên của bà Thảm, ông Cường.
Ý kiến của chuyên gia
Căn cứ diễn biến sự việc, Luật sư Hoàng Long Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận định: “Ở vụ án giữa ông Đắc và bà Thảm, ông Cường có dấu hiệu của “giao dịch giả tạo”, nhằm trốn nghĩa vụ trả nợ của bà Thảm, ông Cường cho bà Hạnh. Tuy nhiên, hiện nay Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu tạm hoãn thi hành án để xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm; vì vậy việc kết luận đúng, sai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai”.
Về việc nghi ngờ có dấu hiệu “giao dịch giả tạo”, Luật sư Hà phân tích:
Thứ nhất: Bà Lê là đại diện của bị đơn (bà Thảm và ông Cường) lại giúp đỡ cho nguyên đơn (ông Đắc) đi đóng tiền tạm ứng án phí. Không những thế, bà Lê còn ký giả chữ ký của nguyên đơn vào Biên lai nộp tiền tạm ứng án phí này. Tuy là đại diện theo ủy quyền cho bị đơn trong vụ án, nhưng bà Lê lại là một luật sư thì bà phải hiểu rất rõ về những điều cấm không được làm của luật sư là: Cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ án. Như vậy, ngay từ việc khởi kiện của nguyên đơn đã có dấu hiệu bất thường.
Thứ hai: Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, từ điều 171 đến điều 183, nêu rõ: Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo, nếu thấy thuộc thẩm quyền của mình, thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện biết để đến tòa làm thủ tục nộp tạm ứng án phí, khi nhận được biên lai nộp tạm ứng án phí thì tòa án vào sổ thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý, Chánh án tòa án phân công cho một thẩm phán giải quyết vụ án và ra Thông báo v/v thụ lý vụ án gửi cho bị đơn và những người có liên quan biết. Trong thời hạn 15 ngày thì người được thông báo phải nộp văn bản cho tòa án cho biết ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sau đó thẩm phán tiến hành các thủ tục tiếp theo như yêu cầu các bên viết bản tự khai, thông báo về phiên hòa giải …
Nêu so việc giải quyết vụ kiện thứ nhất (ngày 24/4/2014 bà Hạnh có đơn khởi kiện, ngày 06/5/2014 thụ lý vụ án, ngày 23/5 hòa giải lần 1 không thành, ngày 02/6 hòa giải lần 2 có Biên bản hòa giải thành), thì đối với vụ kiện thứ 2, chỉ trong 03 ngày, từ 07/7 là ngày thụ lý đến 10/7 đã có Biên bản hòa giải thành, thì việc giải quyết “siêu tốc” như vậy quả là điều không bình thường./.
HÀ NAM