Có phải “sát thủ” như ông Tín nói?
Ai có lương tri, lo lắng cho tình hình đất nước, cũng thấy trong lĩnh vực báo chí, thông tin truyền thông vừa qua còn có những sai phạm do cả trình độ lẫn nhân cách của một số nhà báo. Thậm chí có cả những chuyện vu khống, xuyên tạc xúc phạm nhân phẩm, danh dự công dân và những sai trái về chính trị tư tưởng… rất cần phải lên án, ngăn chặn. Điển hình phải kể đến vụ “nước mắm bị nhiễm độc arsen” (!)
Những sai trái của một số cơ quan báo chí và cá nhân đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông, mà trực tiếp là Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định kỷ luật được dư luận đồng tình ủng hộ.
Hành động quyết liệt của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xử lý những sai phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông thời gian qua có thể nói là dấu son hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới này.
Nhưng những việc làm vì nước, vì dân đó lại trở thành “xấu xa” trước mắt và trong óc những người chống đất nước, mà ông Bùi Tín là một nhân vật “gạo cội”. Ông Tín viết: “Theo ý kiến của nhiều mạng tự do trong nước, trong số những kẻ sát thủ tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, mạnh tay nhất là Bộ trưởng Trương Minh Tuấn...
Viên Bộ trưởng này không những chỉ nhằm vào các blog tự do lề trái mà còn rất mạnh tay trừng phạt thuộc cấp của mình ở lề phải. Đây là một sự mẫn cán kiểu tiểu nhân, nhằm lập công với Đảng và quan thầy để may ra có thể lên chức thay Võ Văn Thưởng trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo, với hy vọng chui vào Bộ Chính trị trong tương lai”.
Ông ta cho rằng ông Trương Minh Tuấn phạm pháp: “Chỉ có dưới thời của sát thủ tự do báo chí của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mới có chuyện 50 tờ báo đưa tin không chính xác về nước mắm bị nhiễm độc arsen (thạch tín) bị phạt hàng chục tỷ đồng sau khi đã cải chính và xin lỗi bạn đọc. Báo Thanh niên bị phạt nặng nhất - 200 triệu đồng -Tổng biên tập bị khiển trách, Phó tổng biên tập bị cảnh cáo, Tổng Thư ký tòa soạn bị cách chức. Tất cả những biện pháp trừng phạt này được áp dụng mà không cần có một phiên tòa hình sự nào, chỉ cần chữ ký của Bộ trưởng kiêm Phó ban Tuyên giáo T.Ư Đảng là xong. Ông ta đứng trên luật pháp, tự cho mình cái quyền sát phạt bất kỳ nhà báo nào”.
Nếu thực có cuộc đua như trên của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn như ông Bùi Tín nói, thì đó là một sự phấn đấu chính đáng, cả xã hội cần noi gương học tập, để góp phần lập lại trật tự kỷ cương, cho xã hội ổn định phát triển.
Việc cấu kết cạnh tranh gian manh đáng tiếc lại xảy ra ở một số người làm báo để trục lợi như vụ đưa tin “nước mắm chứa arsen” đã làm cả xã hội căm giận, bị xử phạt là đích đáng. Vậy mà ông Bùi Tín còn bênh vực thì chỉ riêng chuyện này cũng đủ biết Bùi Tín viết với động cơ gì.
Ông Bùi Tín còn mang pháp luật ra để phân tích đúng, sai, chỉ càng chứng tỏ ông ta cố tình đổi trắng thay đen. Lẽ nào Bùi Tín không hiểu có sự khác nhau giữa phạm pháp thông thường với phạm pháp có dấu hiệu tội phạm hình sự. Phạm pháp thông thường, thì thủ trưởng cơ quan có quyền xử lý và chịu trách nhiệm về việc xử lý đó. Còn phạm pháp có dấu hiệu tội phạm hình sự lại thuộc quyền điều tra của cơ quan điều tra. Có tội hay không do Tòa án xét xử.
Ông Trương Minh Tuấn làm như trên là hoàn toàn đúng quyền, đúng pháp luật. Tất nhiên ông Tuấn phải chịu trách nhiệm nếu xử lý không đúng.
Tôi phải phân tích thêm như thế để rộng đường dư luận, góp phần chỉ ra bản chất bất tín, lật lọng của ông Bùi Tín đến nay vẫn chưa chừa.
Nhân đây cũng phải nói thêm là ông Bùi Tín “múa bút” chả trừ một ai, miễn là có tiền. Còn nhớ mấy năm trước, ông từng ca ngợi cuộc chiến của Mỹ ở Irắc bất chấp Mỹ sa lầy trong cuộc chiến đó, Bộ trương Bộ Quốc phòng Mỹ phải từ chức.
Ông Tín viết: “Đông đảo nhân dân thế giới hoà chung trong niềm hân hoan vui mừng khôn xiết... Với mọi con người tiến bộ, dân chủ, yêu hòa bình, trái đất như đẹp hơn hôm qua, cuộc sống đáng sống hơn, trái đất như sạch sẽ hơn, bầu trời như trong xanh hơn… Những cảnh nhân dân Irắc chào đón liên quân với những nụ cười rạng rỡ”.
Thưa ông Bùi Tín, gần đây nhất, nguyên Tổng thống Bush vẫn còn phải chua chát nói trên truyền hình về sự thật của cuộc chiến: “Thực chất cuộc chiến ở Irắc là cuộc chiến vì dầu hỏa…” (đại ý ông nói chúng ta tiến hành cuộc chiến vì không thể để một chế độ như vậy nắm giữ một nguồn dầu hỏa lớn…). Còn trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, các ứng viên thi nhau hạ uy tín đối thủ bằng việc bới ra cả những chi tiết nhỏ như: “có ý ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Irắc”
Ông Bùi Tín nghĩ sao về sự “quen tay múa bút” của mình? Ông đã cư trú ở nước ngoài, có một số người vì thù hằn cá nhân chống đối chế độ Việt Nam “chăm nom”. Nhưng đừng vì thế mà ông “bất tín”. Hãy trung thực với chính mình. Ông hãy viết những điều mà mình thấy đúng.
ĐL