Có phải đào ngũ thành thương binh?

Các cựu cán bộ, đảng viên xã Phù Lưu Tế: “Chúng tôi cam kết lấy danh của mình ra để bảo đảm rằng bà Tâm là TNXP đào ngũ năm 1970 về lấy chồng, sinh con năm 1971 là chính xác”.
Theo hồ sơ, bà Nguyễn Thị Tâm có một bản khai cá nhân được lập ngày 25-10-2000, trong đó ghi: Bà Nguyễn Thị Tâm tham gia TNXP ngày 20-9-1968, xuất ngũ ngày 15-9-1972, đơn vị C731, Đội 73, Ban 67… và giấy cam đoan của bà Lê Thị Bưởi (trú tại thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội), nguyên là Đại đội trưởng C731 - TNXP cam đoan bà Tâm là TNXP.

Trớ trêu thay, chỉ có 2 loại giấy tờ trên, nhưng ngày 17-11-2000, đại diện các cơ quan, đoàn thể của xã Phù Lưu Tế vẫn tiến hành họp để lập biên bản đề nghị xác nhận người được hưởng chính sách như thương binh cho bà Tâm. Sau đó 5 ngày, tức ngày 22-11-2000, căn cứ biên bản đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh của xã Phù Lưu Tế và bản kê khai cá nhân của bà Tâm, bản cam đoan của đồng đội, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp cho bà Tâm giấy chứng nhận bị thương.

Không lâu sau đó, ngày 29-12-2000, Hội đồng Giám định y khoa Bộ Giao thông Vận tải đã có biên bản giám định thương tật cho bà Tâm, với tỷ lệ thương tật 23%, căn cứ theo các vết thương được bà Tâm tự kê khai, để rồi sau đó đương nhiên bà Tâm trở thành thương binh?!

Nhân dân địa phương tố cáo bà Tâm không có lý do nào khác, ngoài việc để các cấp vào cuộc, đòi lại công bằng cho xã hội. Xã hội đang còn biết bao nhiêu người có công thực sự, nhưng mất hết giấy tờ nên không được hưởng chế độ. Còn bà Tâm là người đào ngũ, như vậy là có tội với Tổ quốc, với nhân dân, lại được hưởng chế độ người có công thì quá bất công.

Chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Duy Thuế - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế. Ông cho biết: “Qua các tài liệu chứng minh, các ý kiến của các đảng viên, quần chúng nhân dân chúng tôi khẳng định là những thông tin có cơ sở, để giải quyết, với quan điểm đúng, sai rõ ràng…”.

Nguyễn Hoàng