Có phải chỉ “dưới lạnh”?

Sau phát biểu đó, cụm từ “trên nóng, dưới lạnh” được nhiều người dùng lại mang tính khái quát rộng hơn. Thậm chí có vị Đại biểu Quốc hội còn đặt câu hỏi: Làm thế nào để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Ngay mở đầu phiên thảo luận sáng ngày 13-11 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã có một số ý kiến đưa cụm từ “trên nóng, dưới lạnh” ra như một tính từ.
Đặt vấn đề như thế dễ dẫn đến hiểu chung là “bên trên” của ta “nóng” lắm rồi, còn dưới thì vẫn “lạnh”! Thực tế, chỉ đúng ở một số việc với một số cá nhân cụ thể. Còn nhiều việc khác không làm đến nơi đến chốn phần lớn lại là do “trên” “dưới” đều lạnh. Có việc thậm chí “trên” còn lạnh hơn cả “dưới”!
Không đâu xa, vụ Khảisilk vừa rồi bị vỡ lở mới té ra, lâu nay thanh tra, thuế vụ, hải quan, công an kinh tế... được giao “cầm cương” Khảisilk, đều “ngủ quên”, nên Khảisilk mới “coi trời bằng vung” đến mức đổ vỡ thương hiệu, sập tiệm như thế.
Còn nhìn xa hơn, thì vụ nhập lậu thuốc ở Công ty VN Pharma sao có thể làm được, nếu Cục Quản lý dược Bộ Y tế làm tròn bổn phận của mình?
Ngay chỉ thị đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ không được cơ sở ở một số địa phương chấp hành nghiêm cũng do các cơ quan “trên cơ sở” - thấp nhất cũng là cấp tỉnh đã không triển khai, hoặc triển khai chậm, triển khai không đồng bộ chỉ thị của Thủ tướng, nên mới để “dưới” phá rào như thế. Mà điển hình là vụ phá rừng đầu nguồn bắt được quả tang “100%” ở Tiểu khu 122 Ninh Thuận đầu tháng 8-2017; nếu được xét xử nghiêm khắc đủ làm gương cho các địa phương khác, thì chắc không xảy ra 2 vụ phá rừng sau đó ở xã An Hưng và Đắk Mang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có quy mô còn lớn hơn, tính chất nghiêm trọng hơn cả vụ phá rừng ở Ninh Thuận.
Thời nay, câu cổ nhân “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn” vẫn đúng.
Huy Thiêm