Có nên tái thu phí mô tô, xe máy? (07/05/2010)

Theo số liệu của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, hiện mỗi năm cả nước có khoảng trên 3 triệu mô tô, xe máy được đăng ký. Theo tính toán, với mức thu lưu hành dự kiến đối với từng loại xe như: xe gắn máy là 300.000 đồng/xe; xe môtô loại 1 (dung tích xylanh 70 - 100cm3) là 600.000 đồng/xe; xe môtô loại 2 (dung tích xylanh >100cm3 đến 175cm3) là 1.000.000 đồng/xe; xe mô tô loại 3 (dung tích xylanh >175cm3 là 1.500.000 đồng/xe thì nguồn thu từ phí lưu hành môtô, xe máy đạt khoảng 2.103,6 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, dư luận vẫn còn cho rằng còn những vấn đề cần xem xét. Nhiều hơn cả cho rằng, việc thu phí qua đầu phương tiện đối với cả ôtô và xe máy là không công bằng bởi có xe đi ít, có xe đi nhiều mà mức thu vẫn như nhau. tiếp đến là với những người dân ở vùng sâu, vùng xa ít khi đi xe máy ra quốc lộ vẫn phải nộp phí sử dụng đường bộ như những người sống ở đô thị, đồng bằng là không thỏa đáng.
Theo phương án thu phí lưu hành đối với mô tô, xe máy theo đầu phương tiện là thu phí khi đưa xe đi làm thủ tục đăng ký. Như vậy có thể thấy, chỉ những xe mua mới mới phải đóng phí (khoảng 3 triệu xe/năm). Mặc dù Ban soạn thảo vẫn đề xuất chỉ tạm thời chưa tính đến các xe đang lưu hành nhưng rõ ràng đây không đảm bảo tính công bằng. Hiện Bộ đã nhận được đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đang cân nhắc các phương án trước khi trình Chính phủ. Việc thu phí đối với mô tô, xe máy là cần thiết vì đây là loại phương tiện chính tham gia giao thông trong 10 đến 15 năm nữa.
Tuy nhiên, có quan điểm phương án thu phí mô tô, xe máy qua đầu phương tiện là không khả thi. Không thể chỉ thu phí đối với xe đăng ký mới trong khi có đến gần 30 triệu xe máy đang tham gia giao thông hằng ngày lại không phải nộp phí.
Hầu hết các chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực này đều khuyên chúng ta nên thu phí qua xăng dầu để bảo đảm sự công bằng và dễ quản lý.

Cao Thúy