Có nên đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề đặc thù?
Giáo viên mầm non không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ “giáo dục” mà còn phải “chăm sóc” trẻ như những “mầm xanh”.
Thời gian qua, cử tri tại nhiều địa phương cũng như một số đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu ở một số ngành nghề mang tính đặc thù, trong đó có giáo viên mầm non. Gần đây nhất, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, ý kiến đó được cử tri tiếp tục đề đạt.
Theo đề tài nghiên cứu về hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên bậc học mầm non được Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thực hiện mới đây, giáo viên mầm non chịu tác động của các yếu tố rất đặc trưng như: tiếng ồn, căng thẳng, mệt mỏi khi làm việc cả ngày, yêu cầu trách nhiệm cao...
Kết quả khảo sát cho thấy, trong các cấp học thì giáo viên mầm non có chế độ lao động đặc biệt nhất. Các cô giáo có mặt tại trường theo quy định từ 7 giờ để mở phòng đón trẻ, cho trẻ ăn sáng và rời khỏi trường là 17 giờ (sau khi trả trẻ xong), có thể muộn hơn. Trong khoảng 10 giờ, giáo viên phải làm việc liên tục, không giống như các cấp học khác hết tiết dạy có thể về. Các cháu mầm non ở lứa tuổi hiếu động, đòi hỏi giáo viên mầm non luôn phải vận động nhiều, vừa quản lý, chăm sóc, phục vụ cho các cháu, đồng thời là các cô phải dạy múa, dạy hát để cho các cháu để làm quen với môi trường học tập. Cũng theo khảo sát, từ 55 tuổi trở đi, hầu hết giáo viên mầm non có khó khăn hơn trong việc thực hiện các thao tác chuyên môn như hát, múa và hướng dẫn các hoạt động thể lực cho trẻ.
Ngoài những yêu cầu về năng lực chung của giáo viên thì giáo viên mầm non còn phải thành thạo các năng lực chuyên biệt để đảm bảo thực hiện các hoạt động đặc thù trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ dưới 6 tuổi. Nhiều kỹ năng như tự phục vụ, xã hội... của trẻ đều đặt nền móng ở giai đoạn này. Vừa dạy vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, thời gian ở trường của giáo viên mầm non chiếm nhiều hơn so với đồng nghiệp các cấp học khác.
Nghiên cứu do Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp chủ trì cho thấy: Điểm trung bình cộng khi đánh giá các yếu tố thuộc điều kiện lao động của giáo viên mầm non là 3,69 điểm - tương đương với điều kiện lao động loại IV - nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
Theo cử tri tỉnh Bình Định, quy định tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non (60 tuổi) không phù hợp với thực tế, vì sức khỏe, độ nhanh nhẹn, các thao tác chuyên môn... khó đáp ứng được với yêu cầu công việc. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá các yếu tố đặc thù về điều kiện lao động của giáo viên mầm non và bổ sung vào "danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...".
4 năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị xếp giáo viên vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là cơ sở để giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm bởi theo quy định hiện hành, lao động từ đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành, được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 năm) so với tuổi nghỉ hưu bình thường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Luật Nhà giáo. Trên cơ sở đối chiếu, phân tích đặc điểm công việc của giáo viên mầm non, Bộ GDĐT cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng quyền lợi, như tuổi nghỉ hưu được thấp hơn,chính sách tiền lương và phụ cấp ưu phù hợp và cao hơn so với các bậc học khác, giúp cho giáo viên mầm non đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cũng như động viên họ, giữ chân họ gắn bó với nghề.Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo quy định, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định. Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến. Dự luật được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.
Giáo viên mầm non là người thầy, người cô đầu tiên và quan trọng của trẻ. Mỗi lời nói, hành động, cử chỉ của cô có thể ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành vi và sự phát triển của trẻ sau này. Việc xem xét bổ sung nghề giáo viên mầm non vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động là chính sách nhân văn, tiếp thêm động lực để người lao động gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Mai Phương