Có một nhịp cầu “Nhắn tìm đồng đội” (19/07/2012)

Năm đó - 2006, chúng tôi xúc động đến tìm ông- ông Đoàn Văn Líu (ảnh), một người Hà Nội, nhà ở 17C, ngõ 241, phố Khâm Thiên và đã được nghe ông kể khá kỹ về việc làm sâu nặng nghĩa tình này. Nhân ngày thương binh liệt sĩ, xin được chép lại cuộc phỏng vấn của chúng tôi với ông hồi đó, mà tôi còn ghi rõ trong cuốn sổ công tác của mình:

PV: Hẳn xuất phát từ tình nghĩa rồi, song ông làm vậy, còn nguyên do gì khác ạ ?

Ông Líu: Do…Chương trình “Nhắn tìm đồng đội” của báo, đài ta cuốn hút đấy! Quý lắm! Nhờ chương trình mà hàng nghìn gia đình đã tìm thấy mộ chồng, cha, con, anh em hi sinh ở chiến trường ! Tôi từng lặn lội vào tận Quảng Trị tìm mộ người thân, lại càng thấy những thông tin thật giá trị… Song, cũng vì thế mà tôi nghĩ: Dân ta có phải ai cũng có báo, có đài đâu, mà dẫu có thì còn phải đi làm ăn, chứ chắc gì đã nghe được, đọc được và thế là tôi nảy ra ý định chép lại, gửi tới từng gia đình.

PV: Ông thường lấy thông tin ấy ở báo nào ?

Ông Líu: Nhiều! Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Phụ nữ, nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, nhất là Báo CCB

Việt Nam.

PV: Ông có nhớ đã gửi đi bao nhiêu bức thư không ?

Ông Líu: Có sổ đăng ký cả đây, có lẽ tới mấy ngàn. Riêng chiếc cặp lưu thư hồi âm của những gia đình nhờ thư của tôi mới biết tin, gửi lời cảm ơn tôi, đã tới gần 500 trường hợp… Làm, mới thấy mình phán đoán không sai: nhiều người không đọc được báo, không nghe được đài!...

PV: Xin ông dẫn một vài trường hợp?

Ông Líu: Chẳng hạn đêm 11-1-1998, tôi thấy trên đài nhắn tin mộ liệt sĩ Phạm Thái Sơn, quê ở Thái Xuyên, Thái Thuỵ, Thái Bình, đang đặt tại nghĩa trang thị xã Kon Tum, tôi viết ngay thư về quê anh. 3 tháng sau (4-4-1998), tôi nhận được thư của cô Phạm Thị Ngoan- em gái liệt sĩ, trả lời: “ Thật vô cùng cảm ơn ông đã cho biết nơi an táng anh trai con- Điều mà bao lâu cả nhà con đỏ mắt mong chờ…” Hoặc Báo CCB Việt Nam số ra tháng 4- 1996 đăng tin hài cốt liệt sĩ Chu Thanh Sơn - chiến sĩ đặc công miền Đông Nam Bộ, đang đặt tại nghĩa trang xã Tân Định (Đồng Nai), ít lâu sau, tôi cũng báo lại cho gia đình. Ngày 7-11-1997, ông Chu Thanh Đại, công tác ở Ban CHQS huyện Yên The, hồi âm: “Cả nhà tôi sung sướng đến rơi nước mắt khi nhận được thư bác… Hơn một năm rồi, báo Cựu chiến binh đã đưa tin, song gia đình tôi đâu có biết!”... Đó, báo, đài đăng phát rồi, mà tin không đến được với thân nhân, có tiếc không chứ?

PV: Ngoài chuyện này, theo ông, các chương trình “Nhắn tìm đồng đội” cần chú ý gì nữa?

Ông Líu: Hạn chế thấp nhất những trục trặc. Thí dụ như Sư đoàn B nhờ nhắn tin: Mộ liệt sĩ Lê Văn Nho, đặt ở Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị… Tôi liền “nhắn tiếp” tới cụ Nguyễn Thị Ngọ, ở 46 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Gia đình vào tận Hải Thượng vẫn không thấy mộ đâu? Thì ra Sư đoàn B nhắn tin theo hồ sơ thời chiến tranh, trong khi đó, tỉnh đã quy tập lại mộ. Có trường hợp, có mộ, nhưng ở quê lại không có tên - như đài đã phát đêm 11-1-1998, báo tin hài cốt liệt sĩ Vũ Trọng Duẩn, quê Thái Thuỷ, Thái Thuỵ, Thái Bình, an táng tại nghĩa trang Kon Tum. Tôi “nhắn” tiếp thì UBND xã Thái Thuỷ trả lời: “Xã chúng tôi không có liệt sĩ nào là Vũ Trọng Duẩn”(?). Hoặc đúng tên liệt sĩ nhưng lại sai quê- như liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị, quê ở Giao Yến, Giao Thuỷ, Nam Định, lại báo về Giao Yên, Giao Thượng, Hà Nam; ngược lại, liệt sĩ Nguyễn Văn Vạc, quê ở Nghĩa Hưng (Nam Định), lại báo về Nghĩa Thượng (Hà Nam)? Thậm chí, có mộ đã được chuyển về địa phương lâu rồi, đài báo vẫn nhắn tin là đang ở Nghĩa trang thị xã Plây- cu, như liệt sĩ Trần Anh Sơn, nhà ở khu lao động Tương Mai, Hà Nội chẳng hạn. Tôi viết thư nhắn tin theo báo đài, khi ông Trần Quốc Bảo- anh trai liệt sĩ kể lại, tôi mới biết.

PV: Đã nhiều năm gắn bó với hoạt động này, hẳn ông cũng có nhiều điều muốn kiến nghị?

Ông Líu: Đúng vậy! Liên bộ Tài chính và Lao động - Thương binh xã hội đã ban hành Thông tư số 78/TT-LB, về việc hỗ trợ kinh phí cho thân nhân đi thăm viếng mộ liệt sĩ từ ngày 3-11-1995, nhưng xem ra chưa được phổ biến rộng rãi, nhiều gia đình tâm sự với tôi là biết chính xác được mộ chồng, con ở đâu, mừng lắm, nhưng đường xa, nhà lại túng thiếu, lần lữa mãi vẫn không đi thăm viếng được. Giá như các cơ quan chăm lo chính sách xã hội chủ động đưa tin đến từng đối tượng này thì hay biết bao! Ngay đài, báo thi thoảng cũng nên đăng tải văn bản trên, đồng thời vận động nhiều người cùng nghe, đọc các chương trình “Nhắn tìm đồng đội” của báo, đài, rồi chép lại, gửi tới từng gia đình liệt sĩ. Thư không phải dán tem đâu. Chả trước đây, cũng bởi bức xúc với chuyện này, tôi có viết thư đề nghị Tổng cục Bưu điện nên miễn phí cho những bức thư ấy. Ít lâu sau, tôi được Tổng cụ báo tin: Đã ban hành Công văn số 1156/CSBĐ ngày 19-6-1995 quy định việc miễn phí đó!... Ta phải xây dựng một đội ngũ cộng tác viên đông đảo xung quanh chương trình “Nhắn tìm đồng đội”, để mọi thông tin tình nghĩa của báo, đài đều đến được với mọi nhà!..

Bây giờ, ông đã về cõi vĩnh hằng!

Chuyện của ông là thế. Nhân tháng bảy nhớ thương, chúng tôi chép lại chuyện này, cũng là bày tỏ niềm thương nhớ và lòng biết ơn tới ông!

Bài và ảnh: Nguyễn Phúc Ấm