Có một nhà sư CCB (11/01/2011)
Sau 5 năm nương nhờ cửa thiền tu rèn đạo pháp, đệ tử đã tạo được lòng tin nơi người thầy, trước giờ lâm chung, Hoà thượng Pháp Ân gọi Thanh lại căn dặn mọi điều, rồi chính thức đặt cho anh pháp danh là Thích Pháp Cần và giao cho trụ trì chùa Linh Phú.
Từ những năm 1987,1988 của thế kỷ trước chùa Linh Phú bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm nhiều. Thầy Pháp Cần không ngại khó khăn đi gặp từng hộ dân để trao đổi, thương lượng. Lần lượt trên hai chục hộ tự nguyện giao lại đất. Những cánh rừng được phục hồi, những con suối khô ngày nào lại hồi sinh. Đại đức Pháp Cần tự tay lắp đặt nhưng tua-bin nhỏ phát điện, thắp sáng được 20 bóng đèn, phục vụ ánh sáng cấp nước cho nhà chùa và một số hộ dân lân cận. Nguồn nước ấy cũng làm thay đổi căn bản mấy trăm héc-ta lúa, hoa màu của xã Phú Sơn cùng các xã phía dưới.
Thấy con em bà con trong vùng thiếu trường, thiếu lớp phải đi học xa, Đại đức Pháp Cần quyết định hiến 6.000m2 đất trong phạm vi khuôn viên của nhà chùa để địa phương xây dựng trường THCS, hiện có 20 lớp với 1.000 học sinh theo học những năm qua. Đại đức cũng lần lượt nuôi dưỡng 20 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa chăm sóc giáo dục cả về thể chất và tinh thần, lại cho học thêm về văn hoá. Trong số này có 2 em thi đậu vào Trường cao đẳng Phật học, một số em khác trở thành công nhân các nhà máy, xí nghiệp. Hiện nay, Đại đức đỡ đầu một em đang là sinh viên đại học năm thứ ba theo học ở TP Hồ Chí Minh. Một căn nhà tình nghĩa trị giá 23 triệu đồng ở xã Phú Thịnh (Tân Phú) cùng 20 căn nhà tình thương tổng giá trị 120 triệu là đóng góp cho xã hội của nhà chùa từ năm 1998 đến nay.
PHAN NGỌC ĐỒNG