Có một miền Đông bên bờ sông Thương

Đại tá Trần Khoát-Trưởng ban liên lạc cho biết: Chỉ trong 10 năm (1965-1975), tỉnh Bắc Giang đã huy động trên 86.000 thanh niên các dân tộc chi viện cho chiến trường miền Nam; trong đó có gần 40.000 cán bộ, chiến sĩ vào chiến đấu ở B2, miền Đông Nam B. Trên 20.000 người đã anh dũng hi sinh và trên 15.000 người bị bom đạn kẻ thù gây thương tích. Riêng chiến trường miền Đông Nam bộ có gần 7.000 người hi sinh và 4.000 người mang thương tật suốt đời.
Ban liên lạc CCB quân giải phóng miền Đông Nam Bộ tỉnh Bắc Giang thành lập đầu năm 2000 với 43 hội viên, nay có trên 3.000 hội viên, sinh hoạt ở 125 ban liên lạc cơ sở xã, phường, thị trấn và cụm liên xã. 15 năm hoạt động, Ban liên lạc đã gắn bó tình bạn chiến đấu năm xưa, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống "Miền Đông gian lao mà anh dũng", cùng nhau xây dựng cuộc sống, làm tròn nghĩa vụ công dân với các phong trào thi đua "CCB gương mẫu, "Đền ơn đáp nghĩa", "Chung tay xây dựng nông thôn mới"... Ban liên lạc có 1 hội viên đang là Ủy viên T.Ư Đảng, 4 hội viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, nhiều hội viên là cán bộ cấp huyện, xã và đoàn thể chính trị. Với các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, hội viên CCB miền Đông gương mẫu vận động gia đình, nhân dân chấp hành pháp luật, thông qua đối thoại, không để trở thành điểm nóng, khiếu kiện đông người, dài ngày... Ban liên lạc tôn vinh 13 CCB từ nghèo khó trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm con cháu CCB, CQN; thăm hỏi tặng quà cho gần 200 thương, bệnh binh trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm; tổ chức quyên góp, vận động tài trợ xây dựng được 8 ngôi nhà tình nghĩa trị giá trên 900 triệu đồng tặng thương binh, gia đình liệt sĩ. Trong những lần thăm lại chiến trường xưa, Ban liên lạc lập danh sách 62 liệt sĩ còn nằm ngoài nghĩa trang, thông tin cho gia đình phần mộ của 27 liệt sĩ và tổ chức đón 22 bộ hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà. Đến nay, Ban liên lạc có 25 CCB đi đầu ở các xã "điểm" hiến gần 2.000m2 đất ở, đất vườn mở rộng đường giao thông nông thôn.
Điển hình là thương binh Đặng Đình Dân (xã Đoan Bái, Hiệp Hòa) tự nguyện phá tường, hiến 43m2 đất thổ cư, làm gương cho 18 hộ dân khác noi theo. Thương binh 2/4 Thân Bá Vượng, ở thị trấn Nếnh, Việt Yên năm nay 72 tuổi. Anh nhập ngũ năm 1967, tháng 3-1968 vào Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Trong một trận chiến đấu, Thân Bá Vượng bị đạn 12,8 ly trên xe tăng địch bắn cụt cánh tay trái đến vai. Năm 1975 anh xuất ngũ và tiếp tục có 8 năm làm cán bộ HTX ở quê nhà...
Trung tướng Phạm Văn Dỹ-Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, ân cần thăm hỏi từng người, với cả nỗi niềm riêng, anh xúc động cảm ơn những bà mẹ, những người chị, những gia đình đã gửi gắm những người thân là xương máu ruột thịt của mình vào miền Nam, miền Đông Nam Bộ chiến đấu mang lại hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước độc lập tự do và phát triển hôm nay. Để có một miền Đông bên bờ sông Thương thơ mộng.
Bài và ảnh: Xương Giang