Cơ hội làm giàu hợp pháp

Tháng 8-2016, trên cơ sở tin báo của quần chúng nhân dân, Đồn BP Săm Pun, BĐBP Hà Giang phát hiện 13 công dân xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh đang có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do.
Qua phân loại, trong số người trên có 6 người chạy xe ôm, 7 người khai nhận được đối tượng tên Xìn A Binh, dân tộc Xuồng, trú tại thôn Bó Mới, xã Đông Tiến, huyện Yên Minh đưa đi Trung Quốc lao động làm thuê.
Đây chỉ là một vụ việc vi phạm pháp luật điển hình do Đồn BP Săm Pun phát hiện xử lý trong những năm qua. Trung tá Dương Hồng Phong - Đồn trưởng Đồn BP Săm Pun cho biết: địa bàn đơn vị quản lý có nhiều đoạn biên giới bằng phẳng, thuận lợi cho việc qua lại biên giới. Trong khi đó đơn vị không thể rải quân 24/24 giờ để tuần tra kiểm soát. Tình trạng này khiến cho việc quản lý biên giới gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biên giới theo đó cũng nảy sinh nhiều vụ việc phức tạp.
Xuất phát từ tình hình thực tế, Đồn BP Săm Pun đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Mèo Vạc xây dựng cơ chế hợp tác xuất khẩu lao động với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tại buổi hội đàm ngày 14 và 15-11-2016, Đoàn đại biểu Chính phủ nhân dân huyện Phú Ninh và đoàn đại biểu UBND huyện Mèo Vạc đã hội đàm, ký biên bản. Hai bên thống nhất cùng nhau tăng cường quản lý lao động qua lại biên giới giữa hai huyện với 19 nội dung chủ yếu gồm: Cách thức tiếp nhận và sử dụng lao động; cơ quan quản lý lao động; phạm vi lao động; loại công việc và thời hạn, thời gian làm việc, nghỉ phép; hợp đồng lao động; bảo hiểm thương mại và xử lý rủi ro...
Với sự bảo hộ của chính quyền hai bên, người dân sẽ được sang lao động, làm việc tại huyện Phú Ninh; đồng thời các công ty, doanh nghiệp của huyện Phú Ninh cũng được tạo điều kiện thuận lợi cho tuyển công dân Mèo Vạc sang làm việc. Việc thực hiện biên bản hội đàm, trong đó có thỏa thuận đưa lao động sang biên giới làm việc hợp pháp sẽ góp phần làm giảm tình trạng lao động tự do vượt biên trái phép, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý biên giới.
Trên cơ sở biên bản hội đàm, UBND huyện Mèo Vạc đã thông báo rộng rãi việc tuyển dụng lao động đi làm việc tại Trung Quốc tới 18 xã, thị trấn của huyện. Tiêu chí là người lao động có sức khỏe tốt, tuổi từ 18 đến 50 đối với nữ và 18 đến 55 đối với nam. Người dân, đáp ứng được tiêu chí trên, có nhu cầu đi lao động sẽ tới UBND xã đăng ký. Khi người lao động được xét duyệt, UBND huyện Mèo Vạc sẽ hỗ trợ làm giấy thông hành, bố trí xe đưa người lao động tới bàn giao cho phía đối tác tại cửa khẩu Săm Pun. Từ cuối năm 2016 đến nay, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức 2 đợt đưa trên 100 lao động sang Trung Quốc làm việc.
Điểm nổi bật của thỏa thuận hợp tác này là người lao động có cơ hội tìm được việc làm với thu nhập ổn định và cao hơn so với việc làm nương hiện nay và được đảm bảo quyền lợi tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Sơn (Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc) cho biết thêm: “Sang Trung Quốc, người lao động được đảm bảo chế độ tiền lương theo đúng thỏa thuận ban đầu, được bố trí chỗ ăn, ở. Bên cạnh đó, người lao động còn được mua bảo hiểm thương mại, được khám chữa bệnh, được bồi thường tai nạn...”.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Chảo Đức Sơn, thôn Lùng Vần Chải, xã Thượng Phùng, một trong những người dân đã từng đi lao động tự do ở Trung Quốc cho biết: “Trước đây tôi có sang Trung Quốc lao động tự do, không có giấy tờ hợp pháp. Tôi từng bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt phạt. Tôi sợ đến mức không nói được câu nào. Bây giờ, chính quyền có chủ trương đưa người dân sang Trung Quốc lao động thế này tôi thấy rất tốt”.
Do được tuyên truyền, hiểu rõ những quyền lợi sẽ được hưởng, ngày 18-2 vừa qua, chị Giàng Thị Lan, vợ anh Chảo đã đăng ký và xuất cảnh sang Trung Quốc làm việc. Anh Chảo chia sẻ: “Vợ tôi có gọi điện về nhà nói là được bố trí làm việc trong xưởng cá với mức lương tính theo sản phẩm, trung bình mỗi ngày được hơn 300.000 đồng, một tháng sẽ được khoảng 9 triệu đồng. Ông chủ còn bố trí chỗ ngủ, cho ăn 2 bữa 1 ngày. Họ cũng đóng bảo hiểm cho. Trong quá trình làm việc nếu có xảy ra vấn đề gì họ sẽ lo cho hết. Tôi thấy rất vui vì vợ có lương ổn định và được đảm bảo mọi việc. Trong năm nay, nếu gửi được con gái cho người thân, tôi cũng sẽ xin đi sang Trung Quốc làm việc”.
Bà Sơn chia sẻ: “Với mức lương trung bình từ 5 triệu đến 10 triệu đồng 1 tháng, được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp tác, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm làm việc tại Trung Quốc. Hiệu quả trước mắt của việc đưa lao động sang nước ngoài làm việc là giúp tăng thu nhập, mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu cho bà con dân tộc.
Nguyễn Bích