Cơ hội hòa bình cho Ukraine

Cuộc điện đàm diễn ra sau cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Moscow hôm 6-2 nhằm thảo luận biện pháp chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine; cuộc gặp này diễn ra sau một cuộc gặp ba bên khác, giữa Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và Tổng thống Ukraine, tại Kiev hôm 5-2.
Tại cuộc gặp ở Moscow, ba nhà lãnh đạo đã thảo luận vấn đề ngừng bắn, tổ chức bầu cử ở miền Đông Ukraine và việc kiểm soát đường biên giới giữa Ukraine và Nga. Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng đưa ra sáng kiến giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine với đề xuất về một khu vực phi quân sự, mở rộng từ 50-70 km và trao quyền tự trị rộng rãi hơn cho một số khu vực ở miền Đông Ukraine...
Quyết định nhóm họp thượng đỉnh bốn bên được dư luận đánh giá tích cực, cho rằng đây là cơ hội đạt được những giải pháp cụ thể cho tình hình Ukraine. Tuy nhiên, một số chính trị gia Nga bày tỏ lo ngại về việc Kiev tận dụng thời gian ngừng bắn đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh tới đây để bố trí lại lực lượng, chuẩn bị cho các hành động quân sự sau này.
Nhiều nhà phân tích đánh giá chuyến ngoại giao con thoi Kiev - Moscow và sắp tới là Minsk của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp thực chất chỉ là màn tung hứng trong kịch bản chung của phương Tây do Mỹ đạo diễn, còn màn thứ hai chính là việc Washington đánh tiếng đe dọa sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, mà mục tiêu cuối cùng vẫn là đánh gục cho nước Nga.
Có cơ sở để cho rằng nhận định trên là nghiêm túc, nếu xem xét lại toàn bộ lịch sử chiến lược an ninh quốc gia cũng như chính sách ngoại giao của thế giới phương Tây mấy chục năm qua. Tuy nhiên, thực tế không có gì có thể che giấu được rằng Liên minh châu Âu (EU) đang ở thế yếu. Lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga không những không mang lại hiệu quả mong muốn, mà ngược lại đang gây rạn nứt trong nội bộ thể chế này. Trừ Ba Lan và ba quốc gia Baltic, hầu hết các nước còn lại đều đã mệt mỏi trước các đòn đáp trả của Nga và mong muốn dừng trò chơi này. Trong khi đó, bóng ma của chủ nghĩa khủng bố, tăng trưởng kinh tế chậm lại, sự “nổi loạn” của Chính phủ cánh tả ở Hy Lạp tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ Khu vực đồng tiền chung châu Âu…, đều là những vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU, trước hết là hai “ông lớn” Đức và Pháp.
Paris và Berlin còn muốn ngăn chặn ý đồ của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine - một hành động có thể biến châu Âu thành lò lửa trong khi Washington thì ung dung ngồi ở bên kia đại dương quan sát.
Rõ ràng, EU đang muốn giải quyết vấn đề Ukraine càng nhanh càng tốt.
Đối với Moscow, dường như người Nga đã tìm được cách thích ứng với các đòn trừng phạt của phương Tây. Bất chấp khó khăn, sự ủng hộ chính trị đối với Tổng thống Putin vẫn được duy trì ở mức rất cao. Lực lượng đòi liên bang hóa đang thắng thế trên chiến trường. Đối phương đang mệt mỏi, sa sút và mâu thuẫn. Như Tổng thống Putin vừa khẳng định, Nga sẽ “không chấp nhận một trật tự thế giới nơi mà một nước ra lệnh cho các nước khác phải làm theo”. Tuy nhiên, đây chính là lúc Nga cần chớp lấy cơ hội để ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách có lợi nhất có thể.
Kiev, ngoài thất bại trên chiến trường thì nền kinh tế đang sụp đổ. Hôm thứ Sáu tuần rồi, đồng Hryvnia (Hr) đã trượt giá từ 16,8 Hr ăn 1 USD thành 1 USD ăn đến 25,3 Hr. Tình cảnh này sẽ khiến phương Tây càng do dự trong việc cứu Kiev. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính, Ukraine cần ít nhất 15 tỷ USD để tránh cho nền kinh tế khỏi bị phá sản nhưng con số này là không tưởng với điều kiện của IMF hiện tại. EU cho rằng, chính quyền của ông Poroshenko đã chẳng cải thiện được chút nào trước nạn tham nhũng kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra hồi đầu năm 2014. Nội bộ giới cầm quyền đã xuất hiện những bất đồng, mâu thuẫn, giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa.
Trong tình hình đó, quả bóng đang nằm bên sân của Kiev. Đã đến lúc,
chính quyền Ukraine phải từ bỏ trò vừa giả vờ ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, nhưng trên thực tế lại nỗ lực đẩy lùi lực lượng ly khai. Đã đến lúc Kiev từ bỏ ảo mộng dựa hẳn vào Mỹ để chống Nga, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine “không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự”. Ukraine cần khôi phục lại nền kinh tế, trước khi nghĩ đến các phương án tiếp theo. Một Ukraine ổn định về kinh tế sau khi gia nhập EU sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết các vấn đề về lãnh thổ của mình. Xét cho cùng, mục đích của việc lật đổ chế độ của Tổng thống Yanukovych và gia nhập EU là xuất phát từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Ukraine, chứ không phải đau thương, chết chóc và tàn phá nếu cứ ngoan cố lao vào một cuộc chiến mà Ukraine không thể giành phần thắng.
Cơ hội hòa bình cho Ucraine đang mở ra. Vấn đề là các bên liên quan cần biết cách nắm lấy mà không để nó trôi qua.