Cô giáo Lan!
Cô Trần Thị Lan đã vượt qua nỗi đau gia đình khi còn trẻ để một mình vừa nuôi con vừa bám bản vùng biên giới gieo giấc mơ con chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiếu số hơn 20 năm qua.
24 năm bám bản ở các trường mầm non biên giới xứ Nghệ thì có đến 20 năm phải còm cõi nuôi con một mình từ khi chồng là Bộ đội Biên phòng mất đi. Nhưng giữ lời hứa với chồng, cũng như tình yêu trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên cương mà cô giáo Trần Thị Lan (SN 1978, Hiệu trường Trường mầm non Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vẫn vượt qua những nỗi đau và khó khăn để bám trường, bám lớp ươm mầm trẻ thơ các xã vùng biên giới Nghệ An.
Nỗi đau mất chồng!
Là con út trong gia đình có 3 người con ở vùng trung du xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An,ngay từ còn là học sinh,Trần Thị Lan đã có tình yêu với trẻ thơ. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non nghe lời khuyên của bố là một thương binh của lực lượng TNXP kháng chiến chống Mỹ trở về, cô đã viết đơn lên xin dạy học ở huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Khi vừa nhận nhiệm vụ, cô Lan được biên chế vào Trường mầm non của xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hàng chục km, đường vào chủ yếu là đi bộ qua những quãng đường rừng núi để “đến nơi không sóng điện thoại,không điện lưới, không nước sạch…”
“Lên cắm bản lẻ rất buồn, vì các gia đình chưa có thói quen cho con nhỏ vào học trường mầm non, nên mỗi điểm lẻ chỉ có một cô giáo, ngôn ngữ thì bất đồng, mình chưa thạo tiếng đồng bào, còn đồng bào thì chủ yếu lại chưa biết rõ tiếng Kinh. Cứ thế thui thủi một mình, nhưng cũng không dám về quê vì đi bộ thì đường khó đi, thuê xe ôm một lần ra vào nhiều hơn cả tháng lương, thành thử có khi cả năm chỉ hè với Tết mới dám thuê xe ra khỏi bản để về” - cô giáo Lan chia sẻ những năm tháng vất vả đó.
Đến năm 2000, cô Lan phải lòng người cán bộ biên phòng Đồn BP Nậm Càn. Rồi hai người nên duyên vợ chồng và ngay trong năm đó cô sinh được người con trai, mang đến niềm vui cho đôi vợ chồng trẻ cùng hai bên gia đình. Nhưng “niềm vui lớn chẳng tày gang”, năm 2003 khi vừa hết đợt trực Tết, chồng cô đi xe về thăm vợ con không may gặp tai nạn qua đời. Mất mát quá lớn khi tuổi đời còn quá trẻ, tưởng chừng sẽ khiến cô giáo Lan bỏ trường, bỏ bản. Nhưng rồi khi quay lại trường cô quyết định ở lại. “Nhìn những ánh mắt trẻ thơ non dại chờ đợi mình, nhất là nghĩ đến lời hứa với chồng từ ngày mới yêu nhau, tôi lại quyết tâm bế contheo để bám trường, bám lớp dạy con chữ cho con em đồng bào dân tộc để toại nguyện điều chồng tôi vẫn hằng mong” - mắt đẫm lệ cô Lan bùi ngùi hồi ức lại.
Vượt lên những nỗi đau, cô Lan vẫn bám hết các bản lảng biên giới xã Nậm Càn,rồi xã Na Ngoi, vừa dạy học vừa nuôi con, vừa học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ suốt 20 năm ròng. Năm 2017, cô Lan được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, nhưng là xã vùng biên xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Tình yêu thương con trẻ và đồng nghiệp
24 năm gắn bó liên tục với các trường học với các bản làng người Mông, người Thái, người Khơ Mú … ở các xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, giờ cô Lan đã như người con của núi rừng biên cương. “Lên chức lãnh đạo”, thì dường như tình yêu thương của cô Lan dành cho các cháu nhỏ con em đồng bào càng nhiều hơn. Hằng năm, cứ đến đầu năm học là cô “lọ mọ” đến từng nhà vận động gia đình đưa các em đến trường; rồi vận động các cá nhân, tổ chức hảo tâm cho quần áo ấm, đồ dùng học tập, đồ chơi về cấp cho học sinh và tự tay khâu vá cho những trẻ áo, quần cũ rách, chăm những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn… Năm 2019, một giáo viên Trường mầm non Keng Đu không may qua đời do khó sinh, cô Lan đã đến nhà nhận cháu bé làm con nuôi...
Với những cố gắng vượt lên hoàn cảnh, lại thấm đẫm tình yêu thương con trẻ, bây giờ cô giáo Lan đã trở thành chỗ dựa ấm áp của con em đồng bào dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Cô Lan lại vừa đón nhận một niềm vui lớn: Con trai cô đã tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động về làm việc tại Đồn Biên Phòng Đông Hải, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Thuận.
Ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn nói với tôi: “Cô giáo Lan đúng là người phụ nữ hiếm có”.
Xuân Hòa