Cô gái “Thạch Nhọn”!
Sau khi bài thơ được in trên báo, nhiều người tò mò muốn biết cô gái “Thạch Nhọn” tên là gì? Chiến tranh cũng đã kết thúc hơn 40 năm nhưng không biết cô gái “Thạch Nhọn” năm xưa bây giờ cuộc sống ra sao?
Một ngày cuối thu chúng tôi về Thạch Kim gặp cô gái “Thạch Nhọn” năm xưa, nay đã ngoài tuổi 70, nhưng còn mạnh khỏe. Cô tên là Lê Thị Nhị sinh ra ở một làng ven biển, nhà nghèo, bố mất sớm. Hai chị em gái và mẹ sống với nhau trong một túp lều tranh.
Cô Nhị trời cho nước da trắng trẻo, thân hình mảnh mai, cao ráo, xinh xắn, nói năng hay pha trò, tinh nghịch nên ai cũng thương. Nhất là cô được nhiều chàng trai ngỏ lời yêu mến.
Năm 1967 quê hương bị máy bay, tàu chiến Mỹ thay nhau bắn phá, Nhị tình nguyện đi TNXP vào Đại đội 554, Tổng đội 55 Hà Tĩnh. Năm 1968, Nhị vào đội cảm tử phá bom từ trường ở Ngã Ba Đồng Lộc. Vào một đêm năm 1968, Nhị cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ thì có một đoàn xe của Đoàn 559 ở trong Nam ra. Một xe dừng lại, hai anh bộ đội xuống hỏi: “Các cô quê ở đâu?”. Người nói Kỳ Anh, người nói Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên... Nhị không nói gì. Hôm đó Nhị mặc chiếc áo màu trắng nhạt. Một anh bộ đội hỏi Nhị: “Cô mặc áo trắng kia ơi, cho anh hỏi em quê ở đâu?”. Nhị vừa nói vừa cười: “Quê bầy tui ở Thạch Nhọn”. Nghe Nhị nói cả tiểu đội cười râm ran. Không ngờ câu nói của Nhị lại làm lay động nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Nhị có năng khiếu chơi bóng chuyền. Cô là cây chủ công của đội bóng chuyền Tổng đội. Năm 1969, Nhị cùng đội đang thi đấu tại Quảng Bình. Sau khi đánh trận chung kết giành chức vô địch, bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” đăng lên báo. Thế là Nhị gặp rắc rối. Lãnh đạo Tổng đội gọi lên làm việc, nhắc nhở vì tội lừa dối bộ đội lái xe Trường Sơn, bắt làm bản kiểm điểm...
Địch ngừng ném bom miền Bắc, Nhị trở về quê làm nghề dệt thảm ở HTX Hải Đăng. Lúc này anh Đặng Thế Bài người yêu ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân cách nhà hơn 30 km cứ giục cưới. Chị gái đã lấy chồng ở xa, không biết vì thương mẹ già yếu sống một mình, hay vì những vết thương trên cơ thể mà Nhị lần lữa không nhận lời cưới, lại còn dục Bài đi tìm người khác!
Dệt thảm được mấy năm thì HTX giải tán, Nhị đi chợ Thạch Kim, Thạch Châu, chợ Huyện bán rau nuôi mẹ. Năm 2002, mẹ chị qua đời, ở tuổi 92. Từ ấy Nhị sống đơn thân một mình, trong căn nhà, do Công ty Việt Tiến - Sài Gòn tài trợ 20 triệu đồng và tiền vay của bà con làng xóm cất lên ngôi nhà gần 30m2.
Nay bước sang tuổi "xưa nay hiếm", dân làng gọi bằng bà, vết thương hay tái phát, nên bà Nhị không đi được chợ xa nữa. Ngày ngày bà ra bán cá ở chợ Gò Cá ngay Cửa Sót gần nhà, kiếm năm, ba chục ngàn đồng cùng với tiền trợ cấp thương binh hạng 4/4 để sống. Từ khi biển bị ô nhiễm, chợ Gò Cá ít người mua bán thì bà Nhị đi chợ thưa hơn. Mỗi khi không ra chợ, bà con lại cho người về nhà xem, có phải bà bị đau yếu gì không.
Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng với đồng đội, tình làng, nghĩa xóm bà Nhị sống hết mình. Hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật mất bà bắt xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội thắp hương.
Tuổi cao nhưng nét đẹp, kiêu sa thời con gái của bà vẫn còn đọng lại, tính tình hiền hậu, nói năng hoạt bát sôi nổi, hóm hỉnh. Bà Nhị còn nguyên cốt cách một cô gái TNXP năm xưa.
Hải Hưng