Cô gái năm xưa
Chính là sự bắt nguồn từ những bài hát đầu tiên tôi ra mắt trung đoàn. Lòng tôi nao nao nghĩ về các anh - những khán giả đầu tiên, một đội ngũ vai kề vai trông thật yêu đời. Dẫu rằng trong các anh có độ tuổi khác nhau, có những mảnh đời xuất xứ khác nhau. Anh thì trút bộ quần áo nâu sồng mặc áo lính. Có anh là sinh viên, là trí thức giã từ Hà Nội ra đi. Nhưng lúc này đây, các anh đang có chung cặp mắt trìu mến, ngóng đợi, lắng nghe một giọng ca, một tiếng đàn cho đời lính tươi thêm…
Thu Đông 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn phản công. Một hôm, vào buổi chiều muộn, mặt trời khuất chìm sau núi, chúng tôi từng tổ tam tam đang tự kiểm điểm công việc trong ngày, thì xuất hiện một người lính chiến từ mặt trận trở về. Anh đưa mắt tìm kiếm ai đó. Chợt anh dừng lại trước cái nhìn ngơ ngác của tôi và nói:
- Tôi muốn gặp riêng chị.
Thật tình tôi không biết anh nhưng vẫn bước ra khỏi lán, hai chúng tôi lẳng lặng đi bên nhau. Đột nhiên, người lính dừng lại, anh nhắm nghiền hai mắt, đầu hơi ngả về phía sau lắc lắc… rồi anh hít một hơi thật sâu như để lấy lại bình tĩnh. Anh nhìn thẳng vào tôi với cái nhìn sâu thẳm, rọi vào đôi mắt vừa hoang mang, vừa ngóng đợi của tôi. Mặt anh tái đi, tay anh run rẩy đặt vào tay tôi một gói nhỏ hình chữ nhật, được bọc bằng mảnh áo quân phục bạc màu. Anh nói trong tiếng nấc: Xin chị giữ lấy! Anh ấy đã hy sinh. Lời cuối cùng… anh ấy dặn lại tôi… hãy đưa tận tay cho chị… gói nhỏ này.
Mắt tôi nhòa đi, không hỏi được câu nào. Rồi người lính ấy nói thêm: Đồng chí ấy hy sinh anh dũng. Hy sinh cách đây 3 tiếng.
Tôi ôm gói nhỏ áp vào mặt rồi òa khóc. Cả người tôi ngã dụi xuống bên bụi mẫu đơn. Người lính đỡ tôi dậy và nói: - Chị đừng khóc… trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ấy mỉm cười đấy. Anh ấy còn nói với tôi: Mình thanh thản lắm, hoàn thành nhiệm vụ rồi…
Rồi người lính vô danh ấy đi như chạy trốn trong nỗi đau mất bạn. Tôi chạy theo gọi với: - Đồng chí ơi. Cho tôi đi theo với. Cho tôi gặp lại…
Nhưng người lính chỉ ngoảnh lại, giơ tay ra hiệu: - Muộn mất rồi, đêm nay chúng tôi chuyển quân. Nói rồi người lính cúi đầu đi khuất.
Tôi lặng đi hồi lâu rồi mới mở gói ra xem. Đó là một cuốn nhật ký. Nhưng nó là của ai chứ. Tôi tự hỏi. Hoàng hôn chạng vạng, tôi chỉ nhìn được mấy dòng chữ ngay ngắn ở trang đầu. Người lính ấy đã ghi:
“Tôi viết mấy dòng này, biết đâu tôi không trở về nữa. Không có dịp được gặp lại Hà Thủy - “Cô gái năm xưa”. “Cô gái năm xưa” là cái tên mà các chiến sĩ khán giả đặt cho tôi khi nghe tôi hát bài “Ba Vì năm xưa” của nhạc sĩ Huy Du. Mắt tôi nhòa đi trước khoảng giấy trắng dài bỏ trống, sau những dòng chữ ngắn ngủi ấy. Không đọc được nữa nhưng tôi vẫn cố nhìn vào những dòng chữ ở cuối trang. Nét mực còn mới, chữ viết ngoằn ngoèo, nét thẳng, nét nghiêng, chữ đậm, chữ nhạt với những dòng đứt nối: “Giờ này tôi biết mình sắp lao vào một trận đánh ác liệt. Có thể hy sinh lắm. Mà lòng tôi vẫn thanh thản. Xin Hà Thủy hãy tha lỗi cho tôi! Tôi đã mang theo tiếng hát “Ba Vì năm xưa” và hình bóng người hát cùng ra trận. Xin vĩnh biệt”.
Xin vĩnh biệt, tôi nhắc lại như một tiếng vọng xa xôi. Sao lúc này, tôi thèm được hát cho anh nghe đến thế. Hát một lần cuối cùng gửi tới hương hồn anh và đồng đội đã cùng anh ngã xuống. Ngày mai chuyển quân, liệu tôi còn có thời gian, còn khi nào trở về bên mộ anh để được hát bài “Ba Vì năm xưa” cho các anh nghe. Có lẽ vì thế mà tôi đã hát trên 3.000 đêm diễn phục vụ đồng đội của mình.
Nguyễn Thị Thanh Nhã kể
Trúc Phương ghi