Cô gái hái bom

Má Chín Xuân lúc mới giải phóng thống nhất đất nươc (gia đình cung cấp)

Hàng ngày, người dân ở khu dân cư Hoàng Phát phường 1 (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) thấy một bà mẹ ngoài 80, thỉnh thoảng bước ra cửa ngóng con cháu như bao người mẹ khác. Ít ai biết rằng, người phụ nữ bình dị ấy là Võ Thị Xuân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 4/4, vợ liệt sỹ, 62 năm tuổi Đảng, từng dọc ngang chiến trường với hàng trăm trận đánh, tháo gỡ hàng trăm bom lớn nhỏ, nguyên huyện đội phó Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau, được mọi người gọi với cái tên “má Chín Xuân”.

Má Chín Xuân (năm 1939) sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo ven sông Ông Đốc (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), 16 tuổi má Chín Xuân tham gia cách mạng, làm giao liên chuyển thư từ tài liệu quan trọng cho các cơ quan Tỉnh ủy Cà Mau. Năm 20 tuổi bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không khai thác được gì từ cô gái nhỏ bé.

Sau khi ra tù, má Chín tiếp tục tham gia những trận chống càn cùng du kích xã Phong Lạc với hàng chục trận đánh với những đơn vị thiện chiến của Mỹ – Ngụy như Trung đoàn 32 (Sư đoàn 21, vùng 4), Lữ đoàn biệt động quân đóng ở Rạch Bần…có hỏa lực pháo binh hỗ trợ. Chẳng những địch không thể thực hiện được ý đồ bình định, mà đội du kích xã Phong Lạc dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Võ Thị Xuân được nhân dân dùm bọc ngày lớn mạnh tiêu diệt san bằng 3 đồn Rạch Láng, Ông Tự, Cái Bát.

Má Chín Xuân với người con trai đầu lòng 6 tháng, nay Đại tá Nguyễn Quốc Việt, Trưởng ban Văn phòng – phong trào Hội CCB tỉnh Bạc Liêu, tại buổi họp mặt 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Do yêu cầu và nhiệm vụ mới, sau khóa tập huấn ngắn ngày ở Công binh Quân khu 9, khi đó má đang mang thai người con trai đầu lòng 6 tháng (nay Đại tá Nguyễn Quốc Việt, Trưởng ban Văn phòng – phong trào Hội CCB tỉnh Bạc Liêu), má đã nhanh chóng tình nguyện lao vào gỡ bom trước những đôi mắt nể phục của đồng đội.

Với cái tâm sáng của người cộng sản kiên trung 62 năm tuổi Đảng; cái tâm của Bộ đội Cụ Hồ, má Chín Xuân kể: “Năm 1966, đế quốc Mỹ xâm lược chúng đã dùng nhiều loại bom hiện đại như bom nổ chậm, bom napal, bom bi, bom bươm bướm…rải dài 20 km dọc hai bờ sông Ông Đốc để ngăn quân ta áp sát bao vây căn cứ chúng. Đây là những loại bom hiện đại thời đó, trong đó có bom chùm cải tiến, khi nổ sẽ tạo ra hàng ngàn vụ nổ nhỏ với mức sát thương khủng khiếp. Nhưng nguy hiểm nhất là những quả bom nhỏ (bom bươm bướm) sau khi rời bom mẹ, rơi vãi trên cành cây, mặt đất nằm yên, khi có người vật va chạm sẽ kích nổ tạo ra những vụ nổ sức công phá lớn. Điều này đã làm người dân hoang mang, lòng quân dao động”.

Cựu chiến binh Lê Quang Tâm (đồng đội với mà Chín ở huyện đội Trần Văn Thời trong kháng chiến chống Mỹ) nói: “Với đôi tay khéo léo của chị và ý chí kiên cường của người chỉ huy. Có đợt trong 5 ngày chị và đồng đội đã vô hiệu hóa và gỡ hơn 400 quả bom chùm, bom bươm bướm (rất nhiều trái bom nặng 250kg). Trái nào gỡ được thì gỡ, trái nào to quá thì tháo ngòi nổ rồi báo công binh xưởng lên khiêng về lấy thuốc nổ. Bởi vậy huyện đội Trần Văn Thời lúc đó gọi chị với biệt danh “cô gái hái bom”.

Đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu thăm hỏi sức khỏe Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Xuân. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Sau nhiều đợt gỡ bom, má Chín Xuân còn phối hợp với du kích xã Phong Điền đánh địch, bởi chiến trường nơi đây luôn ác liệt, nhất là sau tổng tấn công năm Mậu Thân 1968. Tiêu biểu là trận đánh bao vây phân Chi khu Sông Đốc diễn ra ác liệt kéo dài, có lần ta buộc rút lui bỏ trận địa. Vậy mà má Chín Xuân vẫn không bỏ xác đồng đội, cả đêm áp sát trận địa để đưa liệt sỹ về tuyến sau truy điệu an táng.

Năm 1971, má mới sinh gái út, nỗi đau đổ ập xuống đời má, chồng má là Mã Xuân Búi lúc này công tác tại phòng cơ yếu Quân Khu 9, được điều về Đại Đội phó thông tin tỉnh Rạch Giá hy sinh. Cùng lúc má nhận Quyết định làm Huyện đội phó Trần Văn Thời phụ trách tác chiến, tác huấn. Lòng má tự nhủ: “Phải sống để nuôi con và trả thù cho chồng!”

Nhận nhiệm vụ mới, lau nước mắt khóc chồng, gạt lệ xa con, má lại xung phong ra trận, tiêu biểu là trận quân ta lại đào hào bao vây đánh phân Chi khu Sông Đốc có hỏa lực 20 ly yểm trợ. Lúc đào hào áp sát, địch phát hiện đánh vào đội hình trận địa, nhiều anh em buộc rút lui bỏ súng 20 ly. Má Chín cùng vài đồng đội vẫn bám trụ quyết tử giữ trận địa. Nhanh như chớp, má nhào lên khẩu 20 ly siết cò, hỏa lực mạnh khiến quân địch hoảng loạn tháo chạy. Đến sáng, quân ta đếm được 28 xác giặc nằm ngổn ngang trước trận địa. Với những thành tích đáng nể đó, má Chín Xuân nhiều phen khiến kẻ địch khiếp vía. Năm 2011 má Chín Xuân được Chủ tịch nước phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày giải phóng thống nhất đất nươc, má Chín Xuân chuyển ngành, năm 1993 nghĩ hưu. Quãng thời gian hoạt động cách mạng tuy gian khổ, hiểm nguy nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, má Chín Xuân đều thể hiện tinh thần của người cộng sản kiên trung và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù những năm tháng ác liệt đã lùi xa, với người đảng viên Võ Thị Xuân, đất nước độc lập, quê hương thanh bình, thay đổi từng ngày và được sống sum vầy bên con cháu là niềm hạnh phúc lớn lao. Điều tâm huyết nhất mà má Chín muốn gửi gắm đến thế hệ con cháu là phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.

                                                                 PHƯƠNG NGHI