Cỗ cưới bằng hạt dẻ (18/10/2012)
Lời kể của bà:
"Tôi nhập ngũ tháng 4-1950, về công tác tại Phòng Huấn luyện, Cục Quân y. Năm 1951, sau khi đi phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo, tôi được điều về Phân viện 2, đóng quân ở Yên thế, Bắc Giang. Cùng dịp đó, anh Vũ Quang Bích quân y sĩ cũng đến đơn vị thực tập.
Công việc của tôi có liên quan đến việc in ấn, nên thỉnh thoảng tôi xuống lán làm việc của anh nhận tài liệu. Lúc nào xuống, tôi cũng thấy anh cặm cụi bên bàn. Anh vẽ ngược trên đá tranh giải phẫu người từ hai cuốn sách in của tác giả người Pháp Gơ-rê-goa Ô-béc-lanh và Ru-vi-e-rờ. Vẽ trên đá xong, in li-tô trên giấy bản phát cho sinh viên học tập. Toàn bộ tranh minh họa giải phẫu trong bài giảng của giáo sư Đỗ Xuân Hợp là do anh vẽ. Rất tiếc, sau này không giữ lại được bản gốc. Mỗi lần gặp tôi, anh chỉ cười, rất tiết kiệm lời, thi thoảng anh hỏi thăm tôi về gia đình, hỏi học hành ở đâu?
Những ngày công tác ở Phân viện 2 là những ngày vui vẻ nhất trong đời tôi. Ngoài giờ làm việc ra, chúng tôi: Bích, Ngân, Dung, Thân và các anh chị trong cơ quan ra bãi sau tập khiêu vũ, đánh bóng chuyền. Anh Bích có tài phát bóng bằng tay trái "điệu" như múa. Không chỉ thế, anh còn là một y tá trưởng giỏi, một tay ghi-ta cừ khôi và một giọng hát không chuyên nhưng cảm hóa được lòng người, trong đó có tôi…".
Lời kể của ông:
"Quê tôi ở Phúc Yên. Nhà nghèo, tôi chỉ được học hết lớp nhất thời Pháp, tương đương với lớp 6 bây giờ. Cách mạng tháng Tám thành công, tôi nhập ngũ làm trinh sát viên của Chi đội giải phóng quân Vĩnh Phúc. Đầu năm 1946, tôi thi đỗ lớp y tá Vệ quốc đoàn. Năm 1949, tôi là y tá trưởng được lệnh đi phục vụ mặt trận Đường số 4, Lạng Sơn. Năm 1950, tôi thi đỗ lớp quân y sĩ khóa 2, năm 1951 về Phân viện 2 thực tập. Tôi có chút năng khiếu về hội họa nên được phân công vẽ tranh giải phẫu người, phục vụ giáo sư Đỗ Xuân Hợp giảng bài.
Có một cô gái thường đến lán của tôi nhận tài liệu. Cô có khuôn mặt tròn, đôi mắt trong veo, giọng nói nhỏ nhẹ. Ngay từ lần gặp đầu, tôi đã có cảm tình. Sau này, tìm hiểu, tôi được biết cô sinh năm Canh Ngọ 1930 kém tôi 2 tuổi, trong một gia đình trí thức, nho giáo ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Bố là Đỗ Xuân Dung, kỹ sư thủy lợi, năm 1945, được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giao nhiệm vụ phụ trách vấn đề đê điều. Chú ruột của cô là bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, Viện trưởng Phân viện 2 (sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Anh hùng LLVTND, tác giả của 125 công trình nghiên cứu khoa học). Các anh trai, chị gái của cô đều tham gia kháng chiến, là bác sĩ, kỹ sư. Từ nhỏ, cô được gia đình cho học tại Trường Lu-i Pát-xtơ, sau đó tiếp tục vào học tại Trường Phan Chu Trinh ở Hà Nội cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Trong quá trình công tác, được tiếp xúc, làm việc cùng, tôi càng cảm mến cô. Rồi chúng tôi thành vợ chồng. Những năm tôi đi chiến trận, bà vừa là mẹ, vừa là cha dạy dỗ, nuôi nấng các con tôi nên người. Sự thành đạt của tôi, có công lớn của bà!...".
Ông kể tiếp: “Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào mùa hạt dẻ (10-1951). Hạt dẻ rụng đầy gốc cây. Đơn vị phân công mấy anh chị vào rừng quét hạt dẻ để làm cỗ cưới. Loáng một buổi sáng, các anh chị đã quét được mấy thúng hạt dẻ đầy. Sân khấu, bàn ghế trong hội trường được đóng bằng tre, nứa, hoa làm bằng giấy, ánh sáng dùng bằng đèn măng-xông. Phòng cưới lộng lẫy, sáng choang…
Ăn cơm chiều xong, anh chị em trong đơn vị và thương binh, bệnh binh đã có mặt đông đủ trên hội trường, có dễ mấy trăm người. Cô dâu mặc áo voan hồng ôm hoa cùng chú rể mặc quân phục mới tinh bước ra sân khấu trong tiếng nhạc tưng bừng. Đi sau là phù dâu, phù rể và các diễn viên không chuyên. Các tiết mục múa, hát của bộ đội và thương binh kéo dài đến khuya. 12 giờ đêm, chúng tôi mới dọn dẹp xong, trở về buồng cưới. Đơn vị dành cho chúng tôi gian nhà lợp lá. Ở đó đã kê sẵn hai giường cá nhân ghép lại, hai màn đơn ghép lại thành đôi… Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ ngày đó, nhớ về buồng cưới của chúng tôi nép dưới tán cây rừng, nhớ bình hoa giấy, đôi chim bồ câu trắng ai cắt dán thật khéo…!".
Chuyện tình của hai ông bà vừa kể là đại tá, Phó giáo sư, bác sĩ Vũ Quang Bích, nguyên Phó viện trưởng Viện Quân y 103 và Thiếu tá, bác sĩ Đỗ Thị Thu Ngân, nguyên Trưởng ban Vi sinh vật, khoa Hóa, Viện Quân y 103 đã có trên 60 năm là vợ chồng, trong đó có 23 năm xa cách nhau vì nhiệm vụ, người Bắc, người Nam. Về già họ mới được sống cùng nhau và tham gia những công việc ở địa phương. Các con trai, gái, dâu, rể, các cháu nội, ngoại của ông bà đều thành đạt. Mỗi dịp sum họp gia đình, câu chuyện tình yêu của ông bà vẫn còn được con cháu trân trọng nhắc đến…
Trần Thanh Hằng