Cơ chế giá xăng theo Nghị định 84 có còn thích hợp? (10/05/2012)
Ngày 20-4, giá bán lẻ xăng A92 tại Việt Nam tăng 900 đồng/lít, lên mức cao nhất 23.800 đồng một lít. Các loại nhiên liệu khác cũng leo thang lên mức kỷ lục từ trước tới nay, với mức tăng 400 - 600 đồng.
Điều đáng nói ở đây là chính vào lúc Việt Nam tăng giá xăng kỷ lục thì lại là lúc giá xăng trên thế giới giảm và nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh giảm. Thực tế, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã giảm giá xăng ngay khi giá dầu thô thế giới giảm. Có quốc gia trong vòng hơn 1 tuần qua đã điều chỉnh giảm giá xăng dầu tới 2 lần như Phi-líp-pin. Đợt giảm giá thứ nhất là hôm 15-4, trước khi Việt Nam tăng giá xăng tới 5 ngày. Theo một lãnh đạo của Công ty dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), nếu tính theo giá xăng dầu nhập khẩu mới thì so với giá bán lẻ hiện tại ở Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối đang lãi hơn 300 - 500 đồng mỗi lít xăng.
Nhưng đã hơn 20 ngày qua, trong khi giá xăng thế giới giảm thì giá xăng tại Việt Nam vẫn giữ nguyên không hề giảm. Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 2-5 của Bộ Công thương, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu phải căn cứ vào giá nhập khẩu trung bình trong vòng 30 ngày.
Sở dĩ có sự chậm trễ này là căn cứ theo Nghị định 84, các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu phải dự trữ số lượng xăng dầu đủ để cung ứng cho nhu cầu của thị trường tối thiểu là 30 ngày. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không thể giảm giá bán ngay khi giá thế giới giảm.
Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là trong khi giá xăng dầu bị cho rằng tăng thì rất nhanh nhưng giảm chậm, thì giá gas lại được các doanh nghiệp điều chỉnh khá linh hoạt. Cụ thể là ngày 1-3, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã tăng 52 nghìn đồng/bình (12kg), nhưng ngày 2-3, ngay sau khi tăng giá gas 1 ngày, khi Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 0%, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã giảm giá bán lẻ gas 16 nghìn đồng/bình. Gần đây nhất, ngày 1-5 giá gas tiếp tục giảm 35 nghìn đồng/bình khi giá gas nhập khẩu thế giới tiếp tục giảm.
Những thông tin về biến động giá xăng dầu trong nước và thế giới không khỏi làm người tiêu dùng mất lòng tin vào sự minh bạch của cơ chế giá xăng dầu. Vì sao giá thế giới giảm, các nước giảm giá bán lẻ ngay, còn Việt Nam thì không? Vì sao các nước làm được, Việt Nam lại không làm được? Có phải chỉ do thời gian theo dõi và đối soát giá kéo dài (theo Nghị định 84), do sự chậm chân của doanh nghiệp trên sân chơi hàng hóa quốc tế hay còn nguyên nhân nào khác? Giá xăng dầu tại Việt Nam luôn lạc nhịp so với giá thế giới, nhưng thật buồn thay sự lạc nhịp này chỉ là một chiều, khi giá thế giới và các nước giảm, Việt Nam lại bất ngờ tăng, trong khi đó hầu như chưa có lúc nào giá thế giới và các nước tăng mà Việt Nam lại điều chỉnh giảm.
Cũng cần nói rằng cơ chế theo Nghị định 84 có lẽ đã không còn phù hợp với hiện nay mà cần thay đổi. Nhiều người thắc mắc, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường thì sao không mạnh dạn để cho các doanh nghiệp tự làm, tự quyết định giá, tự cạnh tranh và tự chịu? Một số doanh nghiệp đầu mối cũng mong muốn được điều chỉnh giá bán lẻ trong nước theo biến động hiện tại của giá thế giới.
Cho đến nay, việc giảm giá xăng dầu hay không vẫn đang chờ thời gian và chưa có kết luận thật rõ ràng và cụ thể nào từ phía cơ quan điều hành. Mặc dù vậy, theo phản ứng từ phía dư luận trong thời gian vừa qua, việc tăng giá xăng dầu hai lần liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn đã dấy lên những lo ngại về chi phí đời sống nói chung cũng như chi phí vận tải, sản xuất trong bối cảnh kinh tế đình trệ.
Dương Sơn