Cơ chế đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài
Nghị quyết của Đảng đề cập, đánh giá vai trò, vị trí tầm quan trọng của nhân tài trong xây dựng bảo vệ đất nước thì nhiều, nhưng lần đầu tiên trong Báo cáo Chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nêu rõ quan điểm: “Có cơ chế đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài” trong động lực phát triển đất nước: “Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài... tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước” (Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.110”).
Có thể nói “trọng dụng nhân tài” là một trong những hạn chế của nhiều năm qua làm cản trở công cuộc đổi mới phát triển đất nước, mà nguyên nhân có cả trong cơ chế bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng nhân tài ở nước ta. Đại hội XIII của Đảng đề ra giải pháp là phải có “cơ chế đột phá” trong “thu hút, trọng dụng nhân tài”
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa qua Bộ Nội vụ đã công bố Dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” để lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức.
Đáng chú ý trong Dự thảo nêu rõ: “Thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ”; thành lập Quỹ Phát triển nhân tài quốc gia và có lộ trình thực hiện với những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, như “Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ”…
Lưu Quang Thản