Chuyến vượt biển không thành
Lúc này, Tàu 43 do tôi (Trần Anh Tuấn) làm Chính trị viên - Bí thư chi bộ, anh Nguyễn Đắc Thắng làm Thuyền trưởng, vừa kết thúc một chiến dịch chuyển hàng cho Khu 5. Lần đó, chuyến đi bị lộ, chúng tôi phải hủy tàu, hủy hàng, chiến đấu để thoát khỏi vòng vây của địch, lên được bờ và hành quân bộ mấy tháng trời vượt Trường Sơn ra Bắc.
Theo kế hoạch, tối 27-2-1968, Tàu 43 xuất phát từ Hải Phòng. Sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, đêm 29-2, tàu đang lặng lẽ cặp bến thì bất ngờ một loạt pháo sáng bắn lên sáng rực cả một vùng biển và 4 tàu chiến của địch siết dần vòng vây. Biết khó lòng thoát khỏi vòng vây của địch, Thuyền trưởng chỉ huy tàu tránh đạn, còn tôi lập tức điện báo cho Sở chỉ huy: "Tàu 43 gặp địch, quyết đánh trả, hủy tàu". Điện báo cấp trên xong, tôi cùng Thuyền trưởng tới từng vị trí lệnh cho anh em hủy tài liệu và sẵn sàng chiến đấu với tinh thần quyết tử, quyết đánh, "địch phải chết thì ta mới sống".
Theo chỉ huy của Thuyền trưởng, Vũ Xuân Ruệ cầm lái cho tàu luồn lách, tránh đạn địch; các thủy thủ sử dụng ĐKZ, súng máy 21,7 ly bắn chìm 1 tàu chiến của địch. Trận hải chiến không cân sức mỗi lúc một ác liệt. Địch tăng cường tàu cao tốc và máy bay oanh kích tàu 43. Lần lượt Vũ Xuân Ruệ - lái tàu, rồi Võ Tòng Nho - y tá kiêm pháo thủ hy sinh; Lưu Công Hào thay Ruệ lái tàu, còn Nguyễn Đăng Nam thay Nho sử dụng ĐKZ chiến đấu... Trong đêm tối, với súng 12,7 ly, các thủy thủ vẫn bắn rơi 1 chiếc HU1A, rồi sử dụng pháo khói che mắt địch và thả mìn đánh chặn, hy vọng thoát khỏi vòng vây của chúng.
Gần sáng ngày 30-2, tàu chúng tôi lao được vào gần bờ. Thương binh được chuyển vào bờ trước, tiếp đó tổ hỏa lực nhanh chóng lên bờ chọn vị trí chiến đấu; lực lượng còn lại vừa đánh cản địch vừa làm nhiệm vụ đánh bộc phá hủy tàu. Đây là thời điểm căng thẳng nhất. Sau khi chỉ huy anh em hoàn tất các thao tác: cài kíp nổ vào bộc phá, điểm hỏa dây cháy chậm, tôi và anh Thắng cùng số anh em còn lại thoát ly tàu, bơi vào bờ. Trong khi bơi vào bờ, đồng chí Rải đuối sức, bị sóng nhấn chìm; chúng tôi gắng mò tìm, nhưng không được. Lúc này sức anh em đã kiệt, bộc phá lại sắp nổ, nên tất cả phải lên bờ. Dìu được nhau vào bờ, nhìn ra tàu thấy một luồng ánh chớp xanh, cột nước tung cao và tiếp theo là tiếng nổ xé trời. Con tàu thân yêu không còn dấu vết. Tất cả lặng đi!
Trời tảng sáng, không để rơi vào tay địch, chúng tôi nhanh chóng cơ động lên ngọn núi trước mặt. Vượt qua được biết bao gai xương rồng, đá lởm chởm, leo lên lưng chừng núi thì phát hiện lính Mỹ đóng trên đỉnh, mấy anh em lại tụt xuống. Ngay sau đó, chúng tôi liên lạc được với du kích địa phương, được anh chị em bí mật khẩn trương đưa xuống hầm bí mật tránh một cuộc càn của lính thủy đánh bộ Mỹ vào sáng hôm đó.
Nằm lại khu vực núi Vàng một tuần, du kích thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ, mới tìm được đường đưa chúng tôi vượt qua ấp chiến lược, qua được đường số 1 - lúc đó được ví như của tử để lên Phổ Cường, đến Bệnh xá của nữ Anh hùng bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tại đây, số anh em bị thương may mắn được nữ bác sĩ và các cộng sự của cô chữa trị vết thương, còn chúng tôi được anh chị em bệnh xá chăm sóc trong vòng một tháng. Thương binh vết thương tạm ổn, số còn lại sức khỏe bình phục, chúng tôi lại vượt Trường Sơn hành quân bộ ra Bắc lần thứ hai.
Tròn 50 năm đã qua kể từ ngày vượt biển chi viện chiến trường Tổng tiến công, người lính già là tôi đã tròn tuổi 85, nhưng trong ký ức tôi vẫn vẹn nguyên chuyến vượt biển đầy gian lao, phải chấp nhận hy sinh. Nhưng nếu không có những hy sinh ngày ấy, chắc chắn chúng ta không có những ngày Tết sum vầy, no đủ hôm nay.
TRẦN ANH TUẤN (nguyên Chính trị viên Tàu 43 Đoàn tàu Không số)