Chuyện về Thiếu tướng đặc công (14/03/2012)
Nhưng mãi gần đây tôi mới có dịp nói chuyện với anh lâu lâu một chút. Hỏi anh về chuyện chiến đấu năm xưa, chuyện về đồng chí đồng đội ai còn, ai mất, rồi chuyện gia đình, vợ con. Hàn huyên đủ chuyện rồi lặng đi giây lát anh mỉm cười giãi bày: Mình ba lần đội lễ đi hỏi vợ đấy. Tôi ngạc nhiên vì được nghe lần đầu. Anh kể:
Thật đấy, lần thứ nhất vào năm 1962, khi ấy tôi 18 tuổi, đang là giáo viên cấp 1, cô ấy cũng là giáo viên, chúng tôi không yêu nhau nhưng hai ông bố thì rất thân nhau và hẹn làm thông gia từ trước. Chiều lòng tôi đội lễ đi hỏi vợ rồi đặt thẳng vấn đề với cô ấy rằng, đất nước còn chia cắt, tôi phải đi bộ đội, chứ không làm thầy giáo mãi được. Cô ấy cũng thông cảm. Đúng như dự đoán, đầu năm 1964, sau khi kết nạp Đảng, tôi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308…
Lần thứ hai vào năm 1967, khi tôi tốt nghiệp Trường sĩ quan Chính trị về làm chính trị viên đại đội 11, Tiểu đoàn 4, BTL Đặc công, trước khi đi B tôi về phép rồi đội lễ đi hỏi vợ. Sau đó tôi cùng đơn vị bổ sung cho Tiểu đoàn 1, đặc công Tỉnh đội Đồng Nai, chuyên đánh phá sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình. Năm 1969, chúng tôi bị địch bao vây tiêu diệt, phải mở đường máu thoát ra ngoài, tôi mất hồ sơ. Tưởng bình thường nhưng sau này mới biết, địch lấy được lý lịch của tôi, đưa lên đài phát thanh rằng tôi đã tử trận. Ở quê, người tôi ăn hỏi đợi đủ ba năm mới đi lấy chồng…
Tháng 10-1075, đất nước thống nhất, tôi ra Bắc thì bố đã mất, các anh em đều có phận riêng, bản thân thì gầy đen do sốt rét, lại đã có 31 “cái lá vàng”, tầm tuổi các chị đã có hai, ba con, còn các cô mới lớn thì làm quen khó quá. Tôi nói với bầm tôi rằng: Thôi con già rồi, không lấy vợ nữa đâu. Con đi vài năm rồi về nuôi bầm. Bầm tôi mắng: Cha bố anh, trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Anh không dám đi tìm vợ thì cứ ở nhà. Bầm sẽ đi tìm rồi cưới cho anh. Bầm tôi cho gọi ông anh trưởng đang là cán bộ công an tỉnh về nhà. Một buổi, tôi được gặp ba cô gái, trong đó có bà Hồ Thị Trâm nhà tôi bây giờ. Thú thực 8 năm ở chiến trường miền Đông, bao nhiêu gian khổ các liệt tôi đều chịu được, bom đạn dường như đều tránh tôi, như trận tháng 6-1972, chúng tôi đánh sân bay Biên Hòa phá hủy 34 máy bay, cắt đứt cầu hàng không chi viện cho chiến trường Quảng Trị của Mỹ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tiểu đoàn tôi có nhiệm vụ là khẩn trương đánh chiếm căn cứ thiết đoàn kỵ binh Hóc Bà Thức ngụy. Tiểu đoàn trưởng và một bộ phận cán bộ chủ chốt đi trinh sát chưa về. Là chính trị viên tiểu đoàn tôi cùng chính trị viên phó vẫn tổ chức tiến công, tiêu diệt 4 chi đội thiết giáp, làm chủ căn cứ, tạo bàn đạp cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Vậy mà trước cô Trâm, tôi đã bị "tiếng sét ái tình" đánh gục. Cô Trâm ngày ấy 18 tuổi, là đồng nghiệp của anh tôi, lại vừa được kết nạp vào Đảng. Tôi càng mang ơn bầm, đã sinh ra, nuôi tôi khôn lớn còn biết cả tâm tình, ý tứ mà chọn vợ cho tôi.
Tôi lại đội lễ đi ăn hỏi, lần này thì cưới liền tay. Phòng hạnh phúc của chúng tôi là gian nhà tập thể của cơ quan công an với 2 chiếc giường một kê sát nhau, ở giữa gồ lên hai cái thành giường. Được 10 ngày thì tôi hết phép. Không thể kể hết nỗi niềm khi vợ chồng mới bén hơi nhau. Tôi thương người vợ trẻ, tuần trước biết mặt, tuần sau đã nên nghĩa trăm năm, nay một mình một bóng. Đầu năm 1976, đơn vị tôi chuyển ra Xuân Mai (Hà Nội), vợ chồng thỉnh thoảng lại gặp nhau. Cuối năm 1977, tôi được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn đặc công 113, cùng đơn vị làm quân tình nguyện tại Cam-pu-chia, chiến đấu giải phóng và làm quân quản ở thủ đô Phnôm-pênh. Tháng 4-1979, Trung đoàn 113 lại cơ động ra miền Bắc và tôi được cử đi học ở Học viện Chính trị Quân sự. Ra trường tôi khoác ba lô lên Vị Xuyên (Hà Giang) làm Trung đoàn phó về chính trị, Trung đoàn 780 chỉ huy đơn vị huấn luyện và xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Đến 1985, tôi trở vào miền Nam làm Phó chủ nhiệm chính trị rồi Hiệu phó về chính trị Trường sĩ quan Đặc công tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thời kỳ này, tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ A85, chỉ huy luyện tập và duyệt binh tại Hà Nội. Sau đó tôi làm Phó chủ nhiệm chính trị rồi Phó tư lệnh về chính trị BTL Đặc công. Nghỉ hưu năm 2006, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ đến nay.
Theo chân những lần anh về thăm vợ, cô con gái đầu lòng Phùng Thị Ngọc Anh chào đời năm 1976, nay là đại úy cùng chồng là trung tá Vũ Xuân Phòng làm việc tại cơ quan BTL Đặc công. Năm 1983, chị Trâm sinh cô con gái thứ hai Phùng Thị Thu Hiền nay là một doanh nghiệp trẻ của tỉnh. Người con thứ ba là thượng úy Phùng Quốc Cường, 26 tuổi, Chính trị viên đại đội của Trung đoàn đặc công 113 (đơn vị cũ của anh) và vợ là cán bộ công an tỉnh Phú Thọ. Anh vẫn thường nói: Số tôi gặp may, 45 năm công tác thì 3 năm làm giáo viên, 42 năm trong quân đội chỉ có 13 năm ở chiến trường là vất vả một chút. Còn lại, vợ thì bầm cưới cho, có con thì vợ nuôi. Thậm chí nghỉ hưu 6 năm nay tôi cũng chưa giúp được gì cho bà nhà tôi cả.
Bài và ảnh:
Tô Kiều Thẩm