Chuyện về những lão nông “nối nhịp bờ vui”
Các thành viên và người dân địa phương tham gia đổ dầm cầu Quang Hiển, thuộc Ấp 21, xã Thạnh Tân (Thạnh Trị). Ảnh: THẠCH PÍCH
Hơn 6 năm qua, người dân xã Thạnh Tân (Thạnh Trị) và các địa phương lân cận quen thuộc với hình ảnh những lão nông chân lấm tay bùn nhưng vẫn vác cát, đá, ximăng, bẻ sắt, đổ móng… đã xây dựng hàng chục chiếc cầu bêtông vững chắc để “nối nhịp bờ vui”. Đó là đội xây cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước, đội đã âm thầm góp sức cống hiến, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới để phục vụ người dân đi lại thuận tiện hơn.
Lão nông thiện nguyện vào đội xây cầu
Giữa cái nắng và mưa thất thường, tại công trường thi công cầu Quang Hiển, thuộc Ấp 21, xã Thạnh Tân (Thạnh Trị), tiếng cắt sắt thép, tiếng máy trộn bêtông, tiếng búa đập chan chát vẫn vang lên đều đặn. Từng thành viên trong đội xây cầu từ thiện của chùa Vĩnh Phước và bà con trong ấp cùng nhau tiếp sức và cố gắng hoàn thành các công đoạn đổ dầm cầu.
Là một trong những thành viên “kỳ cựu” nhất của đội, ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ Ấp 21, xã Thạnh Tân (Thạnh Trị) nhớ lại, “bén duyên” vào đội hơn 6 năm qua, từ khi sư thầy đến làm trụ trì chùa Vĩnh Phước. Lúc đó, mỗi lần muốn đến chùa cúng dường, hoặc làm công quả phải qua “cầu khỉ”. Chính từ việc đi lại gặp không ít khó khăn, nên thầy mới thành lập đội xây cầu từ thiện. Kể từ đó, tôi cũng như một số anh trong ấp tự nguyện gia nhập vào đội với mục đích cùng nhau góp sức xây cầu ở nông thôn để bà con, con cháu mình đi lại dễ dàng hơn”.
Còn ông Tạ Chí Lâm, ngụ cùng ấp đang điều khiển máy trộn ximăng cho biết: “Việc tham gia xây dựng cầu ở nông thôn tôi thấy có ý nghĩa, góp thêm sức sống mới, diện mạo mới trên vùng quê của mình. Mỗi lần xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, thấy bà con trong xóm vui mừng, cả đội cũng rất vui”.
Tiếng lành đồn xa
Ban đầu, các thành viên trong đội xây cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước chỉ xây dựng trên địa bàn xã, nhưng thời gian về sau, mỗi khi bà con ở một số địa phương lân cận, như: Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, TX. Ngã Năm… đi lại khó khăn, cả đội cùng nhau sắp xếp thời gian để đến nơi đó. Có mặt tại công trường cầu Phúc Tịnh, thuộc ấp Long Thạnh, xã Tân Long (TX. Ngã Năm), các thành viên trong đội phân chia công việc, ai cũng vui vẻ làm việc. Ngưng tay, lau những giọt mồ hôi ướt đẫm, anh Trần Văn Phúc, quê ở Phường 3 (TX. Ngã Năm) chia sẻ: “Được vào đội, tôi cảm thấy rất vui. Lúc đó, đội đang thi công công trình cầu ở trong xóm, sẵn vậy tôi thiện nguyện đi giúp sức cùng các chú, các anh xây cầu. Với việc làm có ý nghĩa, từ đó tôi cũng xin gia nhập cùng đội đi xây cầu, bất cứ nơi đâu tôi cũng đi theo”.
Đại đức Thích Định Hương - Trụ trì chùa Vĩnh Phước thông tin về đội xây cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước: “Sư đã nuôi mong ước và thành lập đội xây cầu từ thiện mang tên của chùa với mục đích xóa những chiếc cầu tạm, cầu khỉ, xây dựng những chiếc cầu kiên cố hơn, bắc qua sông để thúc đẩy phát triển kinh tế những vùng nông thôn còn nghèo khó. Lúc đầu, đội chỉ có 6 thành viên trong ấp tham gia, đến nay tăng lên hơn 10 thành viên. Họ đều là nông dân “chính hiệu”, không qua một trường lớp đào tạo về cầu đường nhưng từ công việc thực tế họ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Chỉ tính trong 5 năm qua (2016 - 2021), nhà chùa đã vận động và thi công xây dựng hơn 80 chiếc cầu bêtông cốt thép, với nhiều kích thước khác nhau ở trên địa bàn huyện Thạnh Trị và địa phương lân cận. Có cây cầu chi phí xây dựng vài chục triệu đồng và cũng có cây hơn 100 triệu đồng, với tổng số tiền đóng góp trên 8 tỉ đồng để mua vật liệu và 20.000 ngày công lao động từ thiện (miễn phí) cũng khoảng hơn 3 tỉ đồng, góp phần cùng với các địa phương thực hiện 1 trong 19 tiêu chí nông thôn mới”.
Những chiếc cầu kiên cố nối liền các con đường nông thôn, không chỉ thúc đẩy giao thông thuận lợi, giúp bà con nông dân kịp thời vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản mà còn góp phần phát triển mọi mặt của các xã trên địa bàn huyện Thạnh Trị nói riêng và một số địa phương trong tỉnh nói chung. Chính từ sự đóng góp tích cực, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhà chùa đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh trao tặng trong năm 2015, năm 2017 và năm 2018.
THẠCH PÍCH